Bàn về Luật thực hiện dân chủ: Đề nghị mở rộng phạm vi "dân chủ ở tổ dân phố, thôn, ấp"

Thực hiện dân chủ ở cơ sở là chủ trương mang tính chính trị xã hội hết sức sâu sắc mà Đảng, Nhà nước ta đã triển khai trong suốt nhiều năm qua. Do đó, qua thảo luận, các thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thống nhất cao với sự cần thiết phải ban hành Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở trên cơ sở kế thừa Pháp lệnh 34, một số nghị định của Chính phủ và quy chế dân chủ cơ sở trước đó.

Mặc dù thôn, ấp, tổ dân phố không phải là một cấp chính quyền cơ sở nhưng đây là thiết chế có tính chất tự quản quan trọng nhất của cộng đồng dân cư, là nơi gần dân nhất, thuận lợi cho việc thực hiện dân chủ ở cơ sở nhất và có vai trò rất quan trọng trong việc triển khai thực hiện có hiệu quả chủ trương, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước, do đó một số ý kiến đề nghị ban soạn thảo cân nhắc lại phạm vi “cơ sở” thực hiện dân chủ.

Bà LÊ THỊ NGA, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp: “Phạm vi điều chỉnh gồm dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Dân chủ ở cơ quan đơn vị, dân chủ trong doanh nghiệp và thống nhất với Ủy ban Pháp luật (của Quốc hội) là điều chỉnh cả dân chủ ở tổ dân phố, vì đây là cánh tay nối dài của chính quyền và là nơi dân trực tiếp tiếp xúc với tổ dân phố rất là nhiều”.

Về những nội dung chính quyền địa phương cấp xã phải công khai và các hình thức công khai thông tin, các ý kiến đề nghị, cần bổ sung làm rõ trình tự, thủ tục, các loại thông tin công khai, trong đó có một số thông tin cần công khai như về quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn, kết quả lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với chức danh lãnh đạo, quản lý; quy định về bảo vệ bí mật nhà nước trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Ông LÊ TẤN TỚI, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng, An ninh: Tôi đề nghị là quy định cụ thể, trong này là công khai, dân chủ trừ những nội dung thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật quốc gia… Thứ hai, những nội dung nhân dân bàn, quyết hình thức hoạt động, tôi đề nghị, hiện nay có tổ tự quản tại cơ sở, hương ước nhân dân còn rất nhiều, đề nghị nghiên cứu hết các nội dung hiện nay ở cơ sở.

Tại phiên thảo luận, các thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng đã cho ý kiến đối với việc thực hiện dân chủ cơ sở tại doanh nghiệp, qua đó đề nghị, cần thiết lập một chương riêng, quy định dày dặn, không thiết kế theo hướng quy định mang tính chất nguyên tắc rồi giao Chính phủ quy định tại nghị định. Về Thanh tra nhân dân, đề nghị cần tổng kết, đánh giá việc thực hiện pháp luật về Thanh tra nhân dân trong Luật Thanh tra để xem xét kế thừa những quy định còn phù hợp. Các ý kiến cũng nhận định đây là luật khó, phạm vi rộng, cần được nghiên cứu đầu tư kỹ lưỡng, kể cả cơ quan trình cũng như cơ quan thẩm tra. Về cơ bản, hồ sơ đủ điều kiện trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3.

Anh Đức