Bảo hiểm bệnh nghề nghiệp: Phòng hơn chữa

Trong những năm gần đây, do thường xuyên phải tiếp xúc lâu dài với điều kiện lao động không tốt như khói, bụi, chất độc, tiếng ồn,… nguy cơ mắc các bệnh nghề nghiệp của người lao động ngày một gia tăng. Theo Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015, chế độ bảo hiểm bệnh nghề nghiệp là chính sách an sinh xã hội thiết thực và hữu ích, bù đắp một phần tổn thất cho người lao động.

Ông Dũng là công nhân khoan nổ mìn làm việc đã nhiều năm tại Mỏ đá Vinaconex 25. Với đặc thù công việc rất vất vả, khói bụi kèm tiếng động rất lớn do nổ mìn, hàng năm đơn vị đều cho những công nhân như ông đi khám và giám định y khoa. Đến nay, theo quy định về bảo hiểm bệnh nghề nghiệp, mức độ suy giảm sức khỏe được cộng dồn của ông là 30%. Tính đến năm 2022, ông Dũng đã được nhận chế độ bệnh nghề nghiệp 4 lần.

Theo đơn vị quản lý khu mỏ đá này, có nhiều công nhân sau khi đi khám được xác định mắc bệnh điếc nghề nghiệp do tiếng ồn, và bệnh bụi phổi silic nghề nghiệp. Đây là hai trong số 34 loại bệnh nghề nghiệp quy định trong Điều 3 Thông tư 15/2016 của Bộ Y tế về Danh mục bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm và hướng dẫn chẩn đoán, giám định. Các công nhân này sau khi đi giám định, đều đã được hưởng chế độ bảo hiểm bệnh nghề nghiệp theo đúng quy định pháp luật.

Theo điều 46 của Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015, người lao động sẽ được hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp khi mắc các bệnh nghề nghiệp thuộc danh mục bệnh nghề nghiệp do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành tại Thông tư 15/2016, đồng thời bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do mắc các bệnh đó. Người lao động sẽ được hưởng trợ cấp 1 lần nếu suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 30%, với mức 5% thì được hưởng năm lần mức lương cơ sở, sau đó cứ thêm 1% thì hưởng thêm 0,5 lần mức lương cơ sở. Người lao động hưởng trợ cấp hằng tháng nếu bị suy giảm từ 31% trở lên, với mức 31% thì hưởng bằng 30% mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì hưởng thêm 2% mức lương cơ sở. Ngoài ra, cả hai trường hợp đều được hưởng thêm một khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Ngoài ra, trường hợp người lao động đã nghỉ hưu, thôi việc mà còn trong thời gian bảo đảm, thì gửi hồ sơ sức khỏe đến cơ sở khám bệnh nghề nghiệp để khám, sau khi phát hiện bệnh nghề nghiệp thì cơ sở khám sẽ hoàn thiện hồ sơ cho người lao động. Trường hợp chuyển việc khác không nguy cơ bị bệnh nghề nghiệp mà còn trong thời gian bảo đảm, thì gửi hồ sơ đến cơ sở khám bệnh, sau khi phát hiện bệnh thì người lao động hoặc người sử dụng lao động mới lập hồ sơ. Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh nghề nghiệp cho các trường hợp trên sau khi đã được bảo hiểm y tế chi trả.

Lê Quang