Bảo hiểm xã hội một lần: Cần thiết kế thành các phương án để người lao động lựa chọn

Sáng 23/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), đai biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga, đoàn tỉnh Quảng Bình cho ý kiến về việc giảm các điều kiện tham gia tối thiểu để đóng hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm. Đại biểu cho rằng, đây là một trong những giá trị lớn về an sinh xã hội mà việc sửa đổi luật lần này mang lại.

Về bảo hiểm xã hội một lần, đại biểu nhấn mạnh, đây là vấn đề lớn. Số người lao động bị ảnh hưởng quyền bảo hiểm xã hội càng tăng, họ bức xúc và mong muốn nhận bảo hiểm xã hội một lần. Vì vậy, cần có một giải pháp đồng bộ để bảo vệ người lao động và để người lao động không muốn rút bảo hiểm một lần. Đại biểu cho rằng, cả 2 phương án của dự thảo, nhất là việc chia thành 2 trường hợp trước và sau khi Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có hiệu lực sẽ dẫn đến việc gia tăng tình trạng một bộ phận người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần trước thời điểm luật có hiệu lực, ảnh hưởng đến việc bảo đảm an sinh xã hội về lâu dài. Đại biểu cho biết, phương án linh hoạt nhất là không cấm người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần, tuy nhiên phải quy định hết sức chặt chẽ, khắt khe điều kiện được rút bảo hiểm xã hội một lần để một lượng người không lớn đáp ứng điều kiện. Đồng thời, Luật có thể xem xét thiết kế thành các phương án để người lao động lựa chọn.

Theo số liệu Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, chỉ trong tháng 7/2023 cả nước đã có 92.000 người lao động nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần, trong khi các doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội càng tăng, số liệu của Bảo hiểm Xã hội năm 2020 là 11.477 tỷ, năm 2021 là 12.512 tỷ, năm 2022 là 12.998 tỷ và 6 tháng đầu năm 2023 là 15.979 tỷ.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Bích Hạnh