Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong bối cảnh mới

Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) với nhiều nội dung, quy định đáp ứng yêu cầu phát triển và đổi mới của đất nước cũng như hội nhập quốc tế. Theo đó, thời gian qua, sự tăng trưởng nhanh chóng của các nền tảng trực tuyến đã đặt ra những thách thức mới cho việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nhất là khi Việt Nam là quốc gia xếp top Đông Nam Á về mua hàng trực tuyến, và bên cạnh những mặt thuận lợi khi “giao dịch trên mạng, giao hàng tại nhà” thì cũng nảy sinh những bất cập, đòi hỏi cần có những quy định xử lý nghiêm.

Một trong những điểm mới của Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) là đã quy định rõ hơn về quyền lợi của người tiêu dùng, đó là được cung cấp hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch; thông tin kịp thời, chính xác, đầy đủ về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, nội dung giao dịch, nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ và về tổ chức, cá nhân kinh doanh. Như vậy, người tiêu dùng khi giao dịch trên không gian mạng sẽ được bảo vệ tốt hơn, người tiêu dùng cũng rõ hơn về quyền của mình để bảo đảm quyền lợi trong trường hợp gặp những rủi ro khi giao dịch mua bán. 

Với một người thường xuyên mua hàng online và gặp không ít lần “quảng cáo thì long lanh, hàng giao thì kém chất lượng” chị Liên cảm thấy rất mừng khi biết Luật BVQLNTD( sửa đổi) vừa được Quốc hội được thông qua đã bổ sung những quy định bảo vệ người tiêu dùng trên không gian mạng, giao dịch trên nền tảng số.

Để người tiêu dùng sớm được bảo vệ thì Chính phủ cần cụ thể hóa một số quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật, đồng thời thực hiện tốt đề nghị của Quốc hội là tăng cường công tác tuyên truyền cũng như nghiêm túc thực hiện các quy định trong Luật, bởi thời gian qua, công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về vấn đề này chưa sâu sát, kỹ lưỡng.

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) được thông qua kịp thời với những điểm đổi mới đã đáp ứng sự phát triển theo xu thế mới của đất nước. Điều đáng nói, Luật đã đảm bảo sự cân bằng giữa quyền và lợi ích của người tiêu dùng cũng như là quyền và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân kinh doanh, hạn chế tối đa phát sinh các chi phí bất hợp lý trong quá trình thực thi và tuân thủ pháp luật.

Việc truyền thông các quy định của pháp luật đến người dân là rất quan trọng. Bởi thực tế hiện nay, nhiều người tiêu dùng không biết đến sự tồn tại của Luật. Khi có vụ việc xảy ra, người tiêu dùng không biết cơ quan nào sẽ bảo vệ quyền lợi cho mình, và trong nhiều trường hợp vì ngại phiền phức nên chọn cách tặc lưỡi cho qua.

Trong quá trình triển khai thực hiện tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của tổ chức xã hội đã phát sinh những khó khăn, vướng mắc. Điều này rất khó thực hiện bởi vì các tổ chức không được giao quyền hạn cũng như nguồn lực. Người tiêu dùng cũng chưa có thông tin và thói quen tiếp cận hỗ trợ từ phía các tổ chức xã hội. Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sửa đổi sau khi thông qua đã nâng cao vai trò, trách nhiệm và quyền hạn của các tổ chức này.

Trên thực tế, nước ta đã có Hiệp hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để giải quyết khiếu nại, hỗ trợ người tiêu dùng khi bị xâm phạm quyền lợi. Mặc dù được thành lập từ năm 2018 nhưng đến nay, số vụ việc được Hiệp hội này tiếp nhận lại chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Theo khảo sát, hiện chỉ có 10% người tiêu dùng biết có một cơ quan, hiệp hội nào đó bảo vệ quyền cho mình. Số người sử dụng các cơ chế khiếu nại, khiếu kiện còn thấp hơn, chỉ dao động từ 2 đến 3%. Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sửa đổi mới thông qua đã đưa thêm những giải pháp mạnh hơn nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức xã hội hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Theo luật mới được Quốc hội thông qua, tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được Nhà nước giao thực hiện một số nhiệm vụ về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và được Nhà nước hỗ trợ kinh phí theo quy định.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

 

Hằng Nga -

Thảo Nguyên -

Đào Nghĩa