• 1933 lượt xem
  • 05:43 01/05/2022
  • Xã hội

Hà Nội: Lo sai phạm trong đấu thầu mua sắm, nhiều bệnh viện thiếu vật tư y tế và thuốc chữa bệnh

Thời gian gần đây, nhiều bệnh viện trên địa bàn thành phố Hà Nội không khỏi lo ngại vì không có đủ trang thiết bị vật tư y tế, thuốc điều trị để kịp thời phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh. Một trong những lý do là bệnh viện gặp khó khăn trong thực hiện đấu thầu mua sắm trang thiết bị, liên quan tới thủ tục pháp lí.

Sau đại dịch Covid-19, nhu cầu khám chữa bệnh của người dân ngày càng tăng cao. Hoạt động khám chữa bệnh tại các bệnh viện trở lại bình thường. 

Tại Khoa Khám chữa bệnh theo yêu cầu của Bệnh viện Bạch Mai, trung bình mỗi ngày tiếp nhận hơn 2.000 bệnh nhân đến khám. Trong đó yêu cầu của bệnh nhân làm các xét nghiệm, kĩ thuật cao như xét nghiệm sinh hóa, chụp X Quang, chụp cắt lớp, siêu âm, điện tim có tới hơn 70%. Với số trang thiết bị phục vụ chẩn đoán như hiện nay nếu không kịp thời bổ sung thì khó có thể đáp ứng số lượng lớn bệnh nhân đến khám và có nhu cầu lấy kết quả nhanh trong ngày.

Bệnh nhân LÊ THỊ THỐNG - Thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên: "Tôi đến bệnh viện để chụp xương khớp, việc chờ đợi chiếu chụp cũng rất lâu, trong mùa nắng nóng rất mệt mỏi. Vì vậy rất mong bệnh viện tạo điều kiện thuận lợi để người bệnh nhanh chóng được khám chữa hơn".

Kỹ thuật viên LƯƠNG MINH NGỌC - Khoa Khám bệnh theo yêu cầu, Bệnh viện Bạch Mai: "Lượng máy ở đây chưa thể đáp ứng được do bệnh nhân quá đông. Với số lượng bệnh nhân khám trong ngày lên đến hơn hai nghìn bệnh nhân thì cần phải có 5 - 6 máy X-quang".

Để chủ động phục vụ cho công tác khám chữa bệnh, bệnh viện đã có phương án trình Bộ Y tế đề xuất kế hoạch bổ sung mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế dự phòng. Tuy nhiên, hạn mức trang thiết bị được đầu tư lớn cần phải thông qua đấu thầu theo quy định. Mà hiện tại về hành lang pháp lý quy định về vấn đề này chưa rõ ràng, cụ thể. Vì thế, nhiều bệnh viện gặp khó trong việc hướng dẫn để lựa chọn nhà thầu cung ứng dịch vụ.

PGS. TS ĐÀO HÙNG HẠNH -Trưởng Khoa khám chữa bệnh theo yêu cầu, Bệnh viện Bạch Mai: "Thiết bị thiếu thốn như vậy, rất nhiều thuốc cũng không có bởi vì đấu thầu nó có vấn đề. Vì vậy, tôi cũng đề nghị cơ quan nhà nước phải có chính sách nào đó để bệnh viện mạnh dạn trong phần mua sắm trang thiết bị, thuốc men để phục vụ cho công tác chữa bệnh”.

PGS.TS ĐÀO XUÂN CƠ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai: Vừa rồi đã có Nghị định 98 về vấn đề công khai giá trên Cổng thông tin của Bộ Y tế về các thiết bị y tế, vật tư tiêu hao khi mua. Đây là hành lang rất quan trọng. Chúng tôi cũng mong Bộ Y tế , Chính phủ sớm thúc đẩy yêu cầu các công ty công khai giá để làm sao mà các bệnh viện an tâm khi mua sắm, đảm bảo các gói thầu minh bạch”.

Liên quan đến vấn đề này, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa cũng đề xuất với các cơ quan có thẩm quyết sớm có hướng dẫn cụ thể để giúp các bệnh viện phân loại rõ loại vật tư, trang thiết bị nào có thể mua sắm tập trung, loại nào phải chủ động chuẩn bị, trên cơ sở đó tổ chức mua sắm phục vụ công tác phòng, chống dịch trong giai đoạn hiện nay.

Ông PHẠM BÁ HIỀN - Giám đốc Bệnh viện đa khoa Đống Đa, Hà Nội: "Chính phủ mới ban hành Nghị quyết 98 về việc quản lý trang thiết bị y tế và chúng tôi rất mong muốn Bộ Y tế sẽ có thông tư hướng dẫn rõ hơn để các đơn vị có căn cứ, cơ sở đảm bảo cho việc mua sắm trang thiết bị đúng quy định”.

Về bản chất, các quy định của pháp luật về những nội dung này rất rõ ràng. Song, trên thực tế, các địa phương, các bệnh viện vẫn gặp khó khăn khi thực hiện. Vì vậy, các cơ quan liên quan, nhất là các đơn vị chủ quản cần rà soát kỹ những vướng mắc, các tình huống phát sinh trong thực tiễn để tạo điều kiện tốt nhất cho các cơ sở khám chữa bệnh mua sắm trang thiết bị, thuốc men phục vụ công tác chăm sóc sức cho nhân dân.

Diệu Huyền