“Bus Container” đường thuỷ: Giải pháp phát triển thị trường xuất nhập khẩu

Đồng bằng sông Cửu Long là vùng sản xuất hàng hóa nông sản, thủy sản lớn nhất cả nước với hệ thống sông ngòi rộng khắp nhưng có đến 80% hàng hóa được chuyển bằng đường bộ. Một số doanh nghiệp, chuyên gia mới đây đã đề xuất phát triển mạng lưới "buýt container" đường thủy, theo phương thức cảng liên kết với nhau, vận chuyển hàng hoá cố định hàng ngày giữa các cảng như mô hình xe buýt.

ĐBSCL có tổng chiều dài đường thủy lên đến hơn 14.800 km. Cả vùng có 6 luồng và 12 cảng biển; các cảng biển nằm sâu trong sông, luồng hàng hải hạn chế, tiếp nhận tàu nhỏ, trong khi xu thế đội tàu ngày càng tăng về kích cỡ, hệ thống cảng biển phân tán.

Ông NGUYỄN CHÍ HÙNG - Trưởng phòng kế hoạch đầu tư Cục Hàng hải Việt Nam: “Cơ bản thì các cảng tiếp nhận được tàu tương đối nhỏ, các cảng chủ yếu nằm trong sông, rất hạn chế trong việc tiếp nhận tàu lớn ra vào khu vực ĐBSCL. Hệ thống luồng lạch cũng bồi lắng nhiều. Hệ thống kết nối giao thông vùng cũng như liên kết cảng biển của các khu vực phát triển kinh tế hiện nay đang còn rất nhỏ lẻ, chưa có tính đồng bộ trong kết nối các cảng biển.”

Hệ thống logistics ở ĐBSCL hiện chưa thể phục vụ cho hàng hóa trong vùng. Các doanh nghiệp logistics hoạt động tại ĐBSCL mới chỉ dừng lại ở việc giao nhận vận tải, cho thuê kho bãi, làm thủ tục hải quan, vận chuyển nội địa, gom hàng lẻ chứ chưa thể tích hợp, tổ chức và liên kết các hoạt động trong chuỗi logistics. Để tăng năng lực vận tải cho miền Tây, ông Võ Quốc Thắng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đồng Tâm đề xuất làm “bus container” đường thuỷ

Ông VÕ QUỐC THẮNG - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đồng Tâm: “Tôi đang có mong muốn và sẽ cũng một số DN, trong đó có một số anh cũng có cảng biển, làm sao chúng ta có cái kết nối để có nhiều bến tàu cảng thì hàng chục hàng trăm cái bến bus ở ĐBSCL và đúng giờ thì có xà lan cỡ 40-50 TEU ghé vào lấy hàng lên các cảng, không phải là cảng Long An mà là các cảng ở TpHCM, cảng Cái Mép,…”

Theo ông Thắng, mô hình hoạt động của “Bus container” đường thuỷ là các cảng ở vùng ĐBSCL đều nhận hàng và liên kết với nhau, khách hàng khắp nơi có thể gửi hàng ở các cảng để chuyển về một đầu mối. Nếu các cảng liên kết với nhau theo từng chuyến vận chuyển cố định hằng ngày như mô hình xe bus, thì khi đó sẽ phát huy được tối đa hiệu quả của các cảng trong vùng; đồng thời, giảm chi phí logistics xuống thấp hơn hiện nay.

Mỹ Tho