Các nhà khoa học đến VinFuture ca ngợi công nghệ trí tuệ nhân tạo

Tại phiên thảo luận về Tương lai của trí tuệ nhân tạo, trong khuôn khổ tọa đàm “Khoa học vì cuộc sống”, nằm trong chuỗi các sư kiện của tuần lễ trao giao VinFuture 2021, các nhà khoa học hàng đầu thế giới đã mang đến cái nhìn toàn cảnh về ảnh hưởng của AI tới cuộc sống con người, cách thức tạo ra lợi thế cạnh tranh, xóa bỏ khoảng cách cũng như các rủi ro tiềm ẩn hoặc khía cạnh đạo đức cần xem xét.

Nếu như cách đây hơn một thập kỷ, trí tuệ nhân tạo (AI) còn là một khái niệm khá khá xa lạ, thì nay, nó đã được biết đến rộng rãi và được các “ông lớn” trong giới công nghệ chạy đua phát triển. Đây là cơ sở cho những nhận định, trí tuệ nhân tạo sẽ là công nghệ dẫn dắt tương lai. 

Tiến sỹ Xuedong David Huang - Giám đốc Công nghệ của Tập đoàn Microsoft: “Trí tuệ nhân tạo AI đang mang lại những thay đổi mạnh mẽ trong nhiều ngành nghề như lĩnh vực vi tính hóa, kỹ thuật hay ngôn ngữ. Nhờ có AI, chúng ta có thể hiểu được rất nhiều ngôn ngữ khác nhau. Hiện các tập đoàn lớn như Google, Amazon, Apple đã cung cấp các dịch vụ điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo để mang đến các sản phẩm tốt nhất cho khách hàng.”

Tiến sỹ Bùi Hải Hưng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trí tuệ Nhân tạo AI - VinAI Research: “Đối với tôi đặc điểm của công nghệ thực sự sẽ vượt qua biên giới của một nước nào đấy. Chúng ta thấy cơ hội ở đây là dữ liệu toàn cầu vậy thì con người sẽ nắm bắt được những cơ hội gì trong phạm vi không chỉ là AI mà công nghệ có thể áp dụng được vào rất nhiều nơi trên thế giới.”

Với sự phát triển mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo, ngành y tế đã và đang đẩy mạnh ứng dụng của khoa học công nghệ vào các hoạt động khám chữa bệnh, đặc biệt nghiên cứu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để bác sĩ tham khảo và đưa ra phác đồ điều trị nhiều bệnh nguy hiểm.

Giáo sư Jennifer Tour Chayes - Đại học California, Berkeley: “Trong lĩnh vực y tế nói riêng, trí tuệ nhân tạo có tầm quan trọng rất lớn. Nhờ có trí tuệ nhân tạo, các bác sỹ có thể dễ dàng phát hiện các loại bệnh mà người bệnh mắc phải, đặc biệt AI có thể giúp phát hiện các bệnh ung thư một cách rất chính xác. Thậm chí, khả năng của trí tuệ nhân tạo còn vượt qua cả các chuyên gia, từ đó giúp các nhà khoa học chuẩn đoán chính xác hơn”.

Bên cạnh những điểm sáng, vẫn tồn tại những khoảng trống trong xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng để có thể tận dụng sức mạnh của trí tuệ nhân tạo đặc biệt tại các quốc gia nghèo hoặc đang phát triển.

Giáo sư Albert P. Pisano - Chủ nhiệm khoa Trường Kỹ thuật Jacobs, Đại học California San Diego: “Trí tuệ nhân tạo hiện đang được ứng dụng rộng rãi ở nhiều nước, nhưng ở các quốc gia yếu thế, cơ sở hạ tầng còn yếu kém nên việc làm thế nào để mang AI ứng dụng cho các nước nghèo vẫn là điều còn trăn trở. Do đó, chúng ta cần khuyến khích các doanh nghiệp, các tập đoàn lớn, đầu tư nhiều hơn nữa để hỗ trợ các nhóm yếu thế và người nghèo có thể tiếp cận với AI”.

Mặc dù là một quốc gia đang phát triển, nhưng sở hữu nhiều tiềm năng lớn về cơ sở dữ liệu cùng nguồn nhân lực và nhân tài dồi dào, Việt Nam hoàn toàn có cơ hội để phát triển lĩnh vực trí tuệ nhân tạo trong tương lai.

Giáo sư Vũ Hà Văn - Giám đốc Khoa học Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn VinBigdata: “Theo tôi, để phát triển lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, Việt Nam cần nguồn dữ liệu sạch và dồi dào, cần nguồn nhân tài muốn công hiến cho lĩnh vực này. Người Việt Nam vốn học toán rất giỏi, đây là 2 yếu tố để chúng ta phát triển mạnh mẽ AI trong tương lai. Hiện chúng tôi đã phát triển được xe thông minh và trợ lý ngôn ngữ. Do đó, nếu có tầm nhìn và định hướng rõ ràng, chúng ta hoàn toàn có thể tạo ra các sản phẩm có giá trị cho người dân Việt Nam”.

Với những ưu điểm vượt trội, trí tuệ nhân tạo được đánh giá là công nghệ của tương lai, đóng góp to lớn vào sự phát triển chung của lĩnh vực y học, khoa học vật lý, thiên văn học, đồng thời tạo ra nền tảng, tạo động lực, truyền cảm hứng cho các ngành khác cùng phát triển.

Bùi Thảo