• 3099 lượt xem
  • 18:06 05/03/2022
  • Kinh tế

Nguồn vốn dành cho các dự án xanh của các ngân hàng còn khiêm tốn

Dư nợ tín dụng xanh của toàn hệ thống ngân hàng vào khoảng 335 nghìn tỷ đồng, tương đương 3,6% tổng dư nợ toàn hệ thống. Đây là số liệu gần nhất mà Ngân hàng Nhà nước thống kê cho đến nay. Thực tế con số này cho thấy nguồn vốn dành cho các dự án xanh của các ngân hàng khá khiêm tốn.

Năm 2021 được cho là năm nở rộ của thị trường tài chính xanh trên thế giới. Khối lượng phát hành trái phiếu xanh tăng gần 100% trong năm 2021 và chiếm 38% khối lượng trái phiếu phát hành trên toàn cầu. Việt Nam cũng không đứng ngoài xu hướng này.

Bà MICHELLE WEE - Tổng giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam: “Chúng tôi đang nỗ lực thúc đẩy tín dụng xanh và đã cấp khoản vốn 300 tỷ USD cho các dự án xanh toàn cầu. Tại Việt Nam chúng tôi đã ký kết hợp tác với 3 tập đoàn lớn và cấp 8,5 tỷ USD cho các dự án xanh của các tập đoàn này. Kể từ Hội nghị COP26, ngân hàng Standard Chartered nhận được đề nghị cấp tín dụng xanh tương ứng với khối lượng 13 tỷ USD. Chúng tôi  nhận thấy có sự phát triển mạnh mẽ và nhanh chóng của thị trường tài chính xanh.”

Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp Việt Nam đã nhanh chóng bắt kịp xu hướng và từng bước tiếp cận nguồn tài chính xanh trong nước và quốc tế, nhằm tận dụng nguồn vốn dồi dào với lãi suất ưu đãi. Tuy nhiên vẫn còn một số vướng mắc.

Bà NGUYỄN THỊ THANH BÌNH - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn T&T: “Chúng tôi đề xuất các cơ quan quản lý nhà nước đặc biệt ngân hàng nhà nước phải hoàn thiện khung chính sách cơ sở pháp luật quy định về tín dụng xanh quy định thế nào là tín dụng xanh thứ hai là dành các ưu đãi cho các ngân hàng thương mại làm thế nào để các ngân hàng thương mại thấy được các ưu đãi này và họ sẵn sàng giải ngân cho các doanh nghiệp không chỉ các tập đoàn lớn mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tiếp cận nguồn vốn tín dụng xanh”

Ông NGUYỄN MINH CƯỜNG - Chuyên gia Kinh tế trưởng của ADB:Nguồn vốn xanh là nguồn vốn mới, cũng không hẳn khi nào có hành lang pháp lý nhất định mà ở đây chúng ta có thể thấy tính chủ động, rất nhiều nước đang phát triển cho dù chưa có hành lang pháp lý hoàn chỉnh như vẫn chủ động tiếp cận, và chủ động tiếp cận này đòi hỏi sự quyết tâm về mặt chính trị nhiều nước đã chủ động tiếp cận như thế. Vấn đề đặt ra với Việt Nam bây giờ làm thế nào để chủ động linh hoạt tiếp cận những nguồn tài chính xanh này trong khi vẫn xây dựng hành lang pháp lý cần thiết."

Các chuyên gia nhấn mạnh, cùng với việc Chính phủ cam kết sẽ đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 theo như tuyên bố tại COP26, thì phát triển thị trường tài chính xanh sẽ là điều kiện cần nhằm đạt mục tiêu đề ra.
 

Minh Chiến