Cần cơ chế đặc thù cho nghệ nhân

Nghệ nhân là một trong những nhân tố quan trọng trong quá trình bảo tồn, phát huy di sản. Tuy nhiên hiện nay, đời sống của các nghệ nhân, đặc biệt là nghệ nhân dân gian, chủ yếu là phải tự lo, tự túc với nguồn thu nhập eo hẹp. Đó cũng chính là nguyên nhân khiến họ khó sống được với nghề, dẫn đến các di sản ngày càng mai một. Để khắc phục điều này, nhiều chính sách dành cho nghệ nhân đang được cụ thể hóa trong các văn bản pháp luật.

Gìn giữ nghệ thuật âm nhạc truyền thống, ca nương Phạm Thị Huệ là một trong những nghệ nhân được hưởng chế độ hỗ trợ từ TP Hà Nội theo Nghị quyết 23 nhằm bảo tồn các di sản phi vật thể. Đây là động lực để những nghệ nhân như chị bám nghề và truyền nghề cho thế hệ sau.

Nghị quyết số 23 của HĐND thành phố Hà Nội được coi là bước đột phá trong chính sách đãi ngộ đối với các nghệ nhân, nghệ sĩ, góp phần nâng cao năng lực bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể từ cấp cơ sở. Còn với nghệ nhân cả nước – những người góp phần bảo tồn, phát huy di sản, vẫn chưa có chính sách đãi ngộ đặc thù nào. Đây cũng là điều khiến các đại biểu Quốc hội trăn trở và mong muốn được thể hiện ngay trong Luật Di sản văn hóa sửa đổi.

Tham khảo kinh nghiệm từ Hà Nội, cùng với việc hỗ trợ kinh phí đãi ngộ một lần từ 30 đến 40 triệu đồng cho nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân nhân dân, các nghệ nhân còn được hỗ trợ kinh phí theo từng buổi truyền dạy với mức từ 300 đến 500 nghìn đồng/người… Mức kinh phí có thể chưa quá nhiều, nhưng là sự ghi nhận, động viên lớn, đặt nghệ nhân ở đúng vị trí trong hành trình tôn tạo, trao truyền, phát huy di sản. 

Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!

Truyền hình Quốc hội Việt Nam