Tọa đàm cấp cao: Chủ động xây dựng chính sách tài khóa và tiền tệ thúc đẩy phục hồi kinh tế

Các chính sách tài khóa và tiền tệ đưa ra phải đủ lớn, có trọng tâm, trọng điểm để tạo ra cú hích, thay đổi cần thiết cho nền kinh tế; bảo đảm các gói kích thích khả thi và được thực thi nhanh, tập trung vào các lĩnh vực có tính lan tỏa rộng… là ý kiến của các đại biểu tại Tọa đàm cấp cao trong Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 hôm 5/12.

Trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế Việt Nam, trưa 05/12, Tổng Giám đốc Truyền hình Quốc hội Việt Nam Lê Quang Minh đã điều phối Tọa đàm cấp cao với nội dung phục hồi và phát triển bền vững trong thời gian tới.

Chia sẻ tại Tọa đàm, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, chính sách tài khóa và tiền tệ là vấn đề rất quan trọng. Chủ tịch Quốc hội đã quan tâm và chỉ đạo các Ủy ban của Quốc hội từ sớm, từ xa, tổ chức nhiều cuộc làm việc với các chuyên gia để thảo luận, đưa ra cơ sở thực tiễn và khoa học phù hợp với thực trạng kinh tế của Việt Nam để xây dựng các gói chính sách hỗ trợ phù hợp.

Theo đó, các chính sách tài khóa và tiền tệ đưa ra cơ bản bám sát các nguyên tắc lớn. Cụ thể, phải bám sát các quy định của Nhà nước; tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động, kích cầu đầu tư và thị trường; kết hợp hài hòa các chính sách; sử dụng hiệu quả các nguồn lực để phục hồi và phát triển kinh tế; các chính sách đưa ra phải đủ lớn, có trọng tâm, trọng điểm để tạo ra cú hích, thay đổi cần thiết cho nền kinh tế nước ta; bảo đảm các gói kích thích khả thi và được thực thi nhanh, tập trung vào các lĩnh vực có tính lan tỏa rộng…

Đưa ra ý kiến tại Tọa đàm cấp cao, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, để giảm thiệt hại cho nền kinh tế, Việt Nam cần tìm ra các biện pháp, cách thức để nhanh chóng phục hồi đà tăng trưởng. Do đó, cần tìm ra động lực cho những tăng trưởng chính đối với nền kinh tế trong thời gian tới. Việc khuyến khích tiêu dùng đầu tư nội địa rất cần thiết nhưng nếu tăng đầu tư quá mức thì sẽ làm giảm tiết kiệm và qua đó giảm đầu tư hoặc làm phụ thuộc vào đầu tư nước ngoài. Vì thế, việc khai thác thị trường trong nước nên chú trọng vào sản xuất hàng hóa tiêu dùng thay thế hàng nhập khẩu.

Đề xuất một số khuyến nghị cho Việt Nam, Ông Francois Painchaud – Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam nêu rõ, từ kinh nghiệm ứng phó dịch COVID-19, Việt Nam đã rút ra bài học đẩy mạnh đầu tư cho y tế, an sinh xã hội, tiến hành các chương trình hỗ trợ người lao động khu vực phi chính thức. Các chương trình này cần được đẩy mạnh nhân rộng, tiến hành kịp thời hơn, quyết liệt hơn và làm cho dễ tiếp cận hơn nữa. Trong tương lai, có thể Việt Nam sẽ còn gặp những thách thức mới, vậy nên cần có cơ chế để ứng phó với những khó khăn này.

Xem chi tiết phiên tọa đàm tại video!