Cân nhắc các phương án tính thuế tiêu thụ đặc biệt và thời điểm áp dụng

Theo định hướng tại Dự thảo Tờ trình, Luật Thuế TTĐB (sửa đổi) sẽ bổ sung quy định về cơ sở tính thuế đối với phương pháp tính thuế tuyệt đối, phương pháp tính thuế hỗn hợp. Phương án tính thuế hỗn hợp, tức là thuế suất áp dụng trên sản lượng và áp chung một thuế suất cho mọi loại đồ uống có cồn có ưu điểm là dễ quản lý và tính toán, nhưng sẽ làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa sản xuất trong nước so với sản phẩm nhập khẩu hay sản phẩm thương hiệu ngoại có giá cao, làm gia tăng tình trạng buôn lậu mặt hàng này. Đã có nhiều ý kiến xung quanh vấn đề này, trong đó nhấn mạnh cần xem xét kỹ lưỡng thời điểm áp dụng, sau khi cân nhắc nhiều yếu tố.

Hiện có 3 giải pháp chính sách thuế với mặt hàng rượu, bia được Bộ Tài chính nghiên cứu.
+ Giải pháp 1 là giữ như quy định hiện hành;
+ Giải pháp 2 là tăng mức thuế suất thuế TTĐB đối với rượu, bia để tăng giá bán rượu, bia, theo khuyến nghị tăng thuế của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và lộ trình tăng theo mức tăng thu nhập và lạm phát.
+ Giải pháp 3: áp dụng thuế TTĐB hỗn hợp đối với bia (thuế tỷ lệ và thuế tuyệt đối), trong đó, tăng thuế suất đối với bia để tăng giá bán ít nhất 10% theo khuyến nghị của WHO và bổ sung áp thuế tuyệt đối đối với bia.

Đồng tình với phương án 1 tuy nhiên đại diện các DN kiến nghị, cần cân nhắc thời điểm áp dụng hợp lý.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khuyến nghị việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt khi nồng độ cồn trong sản phẩm tăng lên. Nhiều nước tiên tiến như EU, Singapore, Úc, Nhật Bản, từ lâu đã áp thuế tiêu thụ đặc biệt tuyệt đối dựa trên nồng độ cồn với bia, rượu. Thực tế cho thấy, đây là cơ chế khá công bằng, minh bạch vừa tăng khả năng cạnh tranh lại vừa giúp điều chỉnh hành vi lạm dụng bia, rượu. Tuy nhiên, việc chuyển đổi sang hệ thống này có thể mất nhiều thời gian và cần có lộ trình cụ thể. Vì vậy, đã có một số nước áp thuế hỗn hợp, tức là sử dụng cả 2 phương pháp tương đối và tuyệt đối với sản phẩm bia, rượu.

Đồng quan điểm với các chuyên gia, đại diên cộng đồng doanh nghiệp VCCI đề xuất cần nghiên cứu áp dụng phương pháp tính thuế hỗn hợp theo lộ trình, trước mắt chưa tăng thuế suất với ngành bia và chưa đưa thức uống đại mạch vào diện chịu đánh thuế.

Hiện Dự thảo Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt sửa đổi vẫn đang ở dạng đề xuất từ Bộ Tài chính. Dự luật chưa được đưa vào chương trình làm Luật. Bộ tài chính sẽ tiếp thu, lấy ý kiến từ các đơn vị liên quan trong đó có VCCI trước khi có quyết định tiếp theo.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Diệu Huyền -

Nguyễn Hùng -

Trương Tùng