Cân nhắc các phương thức và điều kiện cấp giấy phép quyền sử dụng tần số vô tuyến điện

Sáng 5/4, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức Hội nghị thẩm tra sơ bộ Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm là phương thức cấp giấy phép quyền sử dụng tần số vô tuyến điện thông qua hình thức đấu giá hay các khoảng trống trong quy định cấp giấy phép cần phải được quy định cụ thể hơn. 

Theo một số đại biểu, việc đưa ra nhiều điều kiện để cấp giấy phép vốn để loại bỏ những cá nhân, tổ chức xin giấy phép sau đó sử dụng không hiệu quả, gây lãng phí hay cản trở hoạt động của các cá nhân, tổ chức khác, nhưng các quy định này chỉ phù hợp với các trường hợp cấp giấy phép trực tiếp và thông qua thi tuyển, không nên áp dụng đối với trường hợp đấu giá vì tính đặc thù.

Ông ĐẬU ANH TUẤN - Trưởng Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam: “Giống như quyền sử dụng đất, chúng ta giao đất thì chúng ta thẩm định phương án sử dụng đất, còn nếu chúng ta đấu giá rộng rãi thì doanh nghiệp đã đấu giá phải trả chi phí rất lớn, liệu có nên ràng buộc quá chặt chẽ hay không vì đây là cơ chế thị trường, chi phí bỏ vốn rất là lớn. Chính như thế, những doanh nghiệp đã qua đấu giá rồi thì quyền tự chủ kinh doanh của họ rất quan trọng”.

Theo đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai, tại khoản 2, Điều 3 của dự thảo luật quy định các tổ chức cấp phép sử dụng băng tần thông qua đấu giá, thi tuyển trước thời điểm luật có hiệu lực mà vi phạm cam kết triển khai mạng viễn thông kể từ thời điểm luật có hiệu lực thì áp dụng quy định tại Điều 20 và Điều 23 để xử lý. Tuy nhiên, luật cũng bộc lộ nhiều khoảng trống trong khi chưa rõ phương thức xử lý hành vi vi phạm 

Bà ĐOÀN THỊ THANH MAI - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: “Dự thảo luật lại trống một khoản, không quy định về các trường hợp được cấp phép lại, được cấp phép sử dụng băng tần thông qua thi tuyển đấu giá sau thời điểm luật có hiệu lực mà lại vi phạm cam kết triển khai mạng viễn thông bị xử lý như thế nào? 

Chúng ta chỉ có thời điểm trước đó để vi phạm, vậy sau thời điểm đó vi phạm thì như thế nào? Bên cạnh đó, dự thảo luật cũng chưa quy định chuyển tiếp đối với các tổ chức đã được cấp giấy phép sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện trước ngày luật có hiệu lực thi hành thì xử lý như thế nào. Do đó, đề nghị rà soát bổ sung các trường hợp này và trường hợp khác để bảo đảm không bỏ sót các trường hợp cần trong thời điểm chuyển tiếp.

Hiện Luật Tần số vô tuyến điện 2009 không quy định về trách nhiệm cam kết triển khai mạng viễn thông, các quy định về thu hồi giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện (Điều 23 của Luật Tần số vô tuyến điện) mới được đề xuất sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật (khoản 9, Điều 1 của dự thảo luật). Do đó, các tổ chức đã được cấp giấy phép sử dụng băng tần trước thời điểm Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện có hiệu lực không phải có cam kết “triển khai mạng viễn thông”, nên sẽ không có trường hợp vi phạm cam kết quốc tế để thu hồi giấy phép sử dụng băng tần. 

Việc dự thảo Luật bổ sung quy định nêu trên là quy định hiệu lực trở về trước đối với trách nhiệm pháp lí mới của các tổ chức được cấp phép sử dụng băng tần, không phù hợp với các quy định của luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trước những ý kiến còn băn khoăn, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị cần rà soát lại.

Phó Chủ tịch Quốc hội NGUYỄN ĐỨC HẢI: “Qua thảo luận cũng đang có ý kiến về các phương thức cấp giấy phép quyền sử dụng tần số vô tuyến điện: cấp trực tiếp, đấu giá hay thi tuyển. Đề nghị các cơ quan xem xét phân biệt rõ hơn về các phương thức cấp giấy phép quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, đặc biệt là đấu giá và thi tuyển.”

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông cần làm rõ thêm một số vấn đề, chính sách liên quan đến phân bổ phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh; lý do chọn phương thức đấu giá, giải pháp hỗ trợ việc khai thác và sử dụng tần số vô tuyến điện cho vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và hợp tác quốc tế, đồng thời rà soát lại các nội dung, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật. /.

Bích Hạnh