Căng thẳng Nga – phương Tây gia tăng

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO) vừa kết thúc hai ngày họp với những cam kết tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Ukraine cùng việc mở rộng sự hiện diện trên khắp Đông Âu, bao gồm Biển Đen và vùng Baltic. Nga cũng ngay lập tức có những hành động cụ thể đáp trả. Những động thái cứng rắn của các bên đang đẩy thế đối đầu Nga và phương Tây sang giai đoạn quyết liệt hơn bao giờ hết.

PHƯƠNG TÂY “RA ĐÒN”…

Ngoại trưởng Mỹ ANTONY BLINKEN: "Thông điệp rút ra từ cuộc họp của chúng tôi, đó là quyết tâm tập thể của toàn khối để hỗ trợ Ukraine đang và sẽ được tiếp tục được củng cố ngay bây giờ, trong suốt mùa đông và cho đến chừng nào Ukraine còn chiến đấu trên chiến trường."

Bất chấp các báo cáo rằng phần lớn các quốc gia NATO đang cạn kiệt kho vũ khí và đạn dược, Mỹ và các đối tác đã cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine. Đến nay, các nước NATO đã viện trợ cho Ukraine khoảng 40 tỷ USD tiền vũ khí, đã tham gia đào tạo, huấn luyện, cung cấp thông tin tình báo, thậm chí cả cố vấn quân sự trực tiếp trên chiến trường.

Cùng với đó, liên minh này khẳng định sẽ mở rộng hiện diện trên khắp Đông Âu, từ Biển Đen đến khu vực Baltic. Đây là thông điệp rõ ràng và cứng rắn khối này gửi tới Nga, trong bối cảnh cuộc xung đột quân sự ở Ukraine đã kéo dài hơn 9 tháng qua.

NGA CỨNG RẮN ĐÁP TRẢ

Trên thực tế, Nga đã nhiều lần cảnh báo phương Tây về hành động viện trợ vũ khí có thể kéo dài cuộc xung đột Nga – Ukraine, làm cuộc xung đột lan rộng không kiểm soát. Và sau những động thái mới nhất của phương Tây, không dừng lại ở cảnh báo, Nga ngay lập tức đã đưa ra những hành động cụ thể:

Ngừng đàm phán về vấn đề hạt nhân với Mỹ.

Tăng cường xây dựng hạ tầng cho lực lượng hạt nhân.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết, Nga sẽ không nối lại đàm phán Hiệp ước giảm trừ vũ khí hạt nhân New START với Mỹ, trừ khi Mỹ dừng viện trợ vũ khí cho Ukraine.

Song song với đó, Nga sẽ đặc biệt chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng cho lực lượng hạt nhân vào năm 2023.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga SERGEI SHOIGU: "Ở thời điểm hiện tại, trong các đội hình của Lực lượng Tên lửa Chiến lược, chúng tôi có kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng cho việc triển khai các hệ thống tên lửa mới. Khi chuẩn bị kế hoạch năm 2023, chúng tôi sẽ đặc biệt chú ý đến việc xây dựng hạ tầng cho các lực lượng hạt nhân chiến lược."

Những động thái đáp trả của hai bên đang khiến căng thẳng này một gia tăng, khi cuộc xung đột ở Ukraine vẫn chưa tìm thấy lối thoát. Dù thực tế là NATO không hề muốn can dự vào tình hình Ukraine và đối đầu trực tiếp với Nga trên thực địa, nhưng nếu không có những động thái hạ nhiệt, nguy cơ xung đột sẽ hiển hiện hơn bao giờ hết. Dù thế nào, một cuộc chiến giữa khối quân sự lớn nhất thế giới với một siêu cường sở hữu nhiều vũ khí hạt nhân nhất thế giới là điều không ai mong đợi.