Cao tốc Bắc - Nam: Phân cấp, phân quyền đẩy nhanh tốc độ dự án

Quốc hội thảo luận trực tuyến về Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, các đại biểu Quốc hội đề xuất nhiều giải pháp để đẩy nhanh tiến độ dự án, từ cơ chế đặc thù đến phân cấp, phân quyền.

Tiếp tục chương trình làm việc, chiều nay, Quốc hội thảo luận trực tuyến về Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, các đại biểu Quốc hội đề xuất nhiều giải pháp để đẩy nhanh tiến độ dự án, từ cơ chế đặc thù đến phân cấp, phân quyền. 

Theo các đại biểu, trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19, doanh nghiệp, nhà đầu tư đều khó khăn. Do đó, phải chuyển sang hình thức đầu tư ngân sách nhà nước tập trung để sớm hoàn thành toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam. Để đẩy nhanh tiến độ, đại biểu đề nghị cần làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, trong đó cần có cơ chế đặc thù đủ mạnh trong các khâu. 

Ông Hoàng Ngọc Định - Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang: Tuyến đường mà làm nhanh chính là phục hồi kinh tế nhanh như chỉ định thầu từ thiết kế, giải phóng mặt bằng, kể cả thi công, như vậy mới sớm hoàn thành 5.000km đường cao tốc theo quy hoạch và phải có cơ chế để làm nhanh theo dự thảo năm 2021-2022 là chuẩn bị dự án, 2022-2023 giải phóng mặt bằng, như vậy đã mất 1 năm và 2023 mới khởi công, đến năm 2025 cơ bản được hoàn thành, với tiến độ này là không hợp lý và cần xem xét lại. 

Ông Trần Hoàng Ngân - Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh: Tôi đề nghị là dự án tuy chỉ sử dụng nguồn vốn là 49,3% từ gói phục hồi kinh tế, vì dự án này lên tới 146.000 tỷ đồng mà chúng ta chỉ lấy từ nguồn này có 72.476 tỷ đồng thôi, nhưng chúng ta cũng nên cho dự án này áp dụng cơ chế đặc thù sẽ giúp dự án triển khai nhanh và hiệu quả, góp phần tiết kiệm dự toán. Tuy nhiên, dự toán phải bảo đảm thẩm tra cho sát với thực tế.

Ông Trần Đình Gia - Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh: Cần phải có cơ chế đặc thù trong các dự án giải phóng mặt bằng như là các công trình tái định cư, thực hiện giải phóng mặt bằng theo cơ chế đặc thù.  Bởi vì mình thực hiện đúng thủ tục đấu thầu, thực hiện các dự án này thì đã hết thời gian rồi. 

Tiếp thu giải trình ý kiến đại biểu, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn thể cũng cho rằng, dự án này rất cần cơ chế đặc thù, nếu được Quốc hội ủng hộ thì rút ngắn thời gian thực hiện từ 6 đến 9 tháng.

Ông Nguyễn Văn Thể - Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải:  Bởi vì nếu không có cơ chế đặc thù, nhất là chỉ định thầu tư vấn, chỉ định thầu xây lắp thì chúng ta sẽ mất rất nhiều thời gian. Nếu Quốc hội ủng hộ thì chúng tôi có thể rút ngắn thời gian này, mỗi một bước chúng ta đấu thầu khoảng 2 tháng và chúng ta tiết kiệm ít nhất 6 tới 9 tháng, như thế sẽ tạo điều kiện để chúng ta thực hiện hoặc là những cơ chế khác về đất, về rừng, v.v. để làm sao đẩy nhanh tiến độ.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị các cơ quan tổng hợp đầy đủ, nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý để hoàn thiện Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 trước khi trình Quốc hội xem xét thông qua.