Cấp giấy phép hành nghề y: Cần thiết và không nên hình thức

Chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh là giấy phép hành nghề của những người hoạt động trong lĩnh vực y tế là một trong nhiều nội dung nhận được sự quan tâm của các đại biểu tham dự Toạ đàm tham vấn ý kiến chuyên gia về dự thảo luật Khám bênh, chữa bệnh (sửa đổi) do Uỷ ban Xã hội phối hợp với Viện Nghiên cứu lập pháp tổ chức.

Dự toạ đàm có Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, cùng dự có Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn.   

Theo một số chuyên gia việc quy định thời hạn của giấy phép hành nghề để tăng cường kiểm soát trình độ chuyên môn, năng lực hành nghề là điều cần thiết. Bởi ở nước ta từ trước đến nay, chỉ cần học xong và thực tập 18 tháng là được cấp Chứng chỉ hành nghề y. Đặc biệt, chứng chỉ này có hiệu lực suốt đời. Điều này gây khó khăn trong giám sát chất lượng, chuẩn hóa chuyên môn. Do vậy nếu thực hiện được sẽ đảm bảo chất lượng bác sỹ cả công và tư.

Ông NGUYỄN HUY QUANG: “Đánh giá năng lực qua hội đồng y khoa quốc gia, mô hình này dân sự, hơi khác so với hệ thống của chúng ta. Nếu đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế thì nên chấp nhận mô mình này. Trước mặt có nhiệm vụ cung cấp ngân hàng đề thi, tổ chức kỳ thi quốc gia để đánh giá năng lực, đánh giá chất lượng đào tạo của các trường khác nhau. Qua đó, khi ra được mặt bằng thì cấp chứng chỉ hành nghề thì sẽ phù hợp, đảm bảo chất lượng cung ứng cả công và tư.”

Tuy nhiên theo ông Nguyễn Vũ Quốc Huy, Hiệu trưởng trường Đại học Y dược Huế nên tổ chức thi chứng chỉ hành nghề ngay sau khi sinh viên tốt nghiệp ra trường.

Ông NGUYỄN VŨ QUỐC HUY, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược Huế: “Chúng tôi muốn đề nghị kỳ thi ấy ngay sau khi kết thúc quá trình đào tạo sau 6 năm.”

Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ  Ủng hộ quan điểm của cơ quan soạn thảo về quy định và thời hạn cấp giấy phép hành nghề y bởi lẽ các loại bằng cấp như: đại học, thạc sĩ, tiến sĩ...mới chỉ là điều kiện cần; khẳng định trình độ chuyên môn của cán bộ y tế, còn điều kiện đủ để được quyền hành nghề thì cần thiết phải trải qua kỳ sát hạch khác – kỳ thi cấp giấy phép hành nghề. Tham gia kỳ thi này cần phải có kinh nghiệm thực tế ít nhất từ 2,3 năm tại một cơ sở khám chữa bệnh lúc đó mới được tham gia thi lấy chứng chỉ hành nghề. Nhấn mạnh ngành y với công việc đặc thù liên quan đến sức khoẻ con người do đó Bộ Y tế cần quản chặt vấn đề này.

Chủ tịch Quốc hội VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: “Cho nên giấy phép nghề nghiệp, bây giờ phải xã hội hoá, ít nhất đầu tiên giai đoạn đánh giá năng lực để cho cơ quan tổ chức người ta làm. Còn ngành nghề Bộ Y tế vẫn phải cấp giấy phép. Nhưng Bộ tài chính cũng thế, giai đoạn đó cũng xưa rồi, bây giờ tất cả do Hội kế toán, kiểm toán tự người ta làm hết. Với y tế phải kiểm soát chặt chẽ. Giai đoạn này vẫn cần cơ quan quản lý Nhà nước cấp phép. Nhưng đừng bày ra chuyện học 12 tháng đến 18 tháng. Như thế rất hình thức.”

Đối với quy định trong sự thảo luật điều 29, một người chỉ được cấp 1 giấy phép hành nghề đại biểu cho rằng điều này là chưa hợp lý, đại biểu kiến nghị mỗi người ít nhất phải có 2 giấy phép hành nghề trong đó có giấy phép hành nghề đa khoa và chuyên khoa khi họ học xong chương trình đào tạo chuyên khoa. Đối với việc giao cho Hội đồng y khoa Quốc gia được cấp chứng chỉ hành nghề một số đại biểu cho rằng Hội đồng y khoa Quốc gia không phải cơ quan quản lý Nhà nước hay cơ quan hành chính, mà là một tập thể nên không phù hợp để cấp giấy phép hành nghề do đó nên có cơ quan độc lập cấp phép.

Như Thảo