• 1009 lượt xem
  • 02:15 30/10/2022
  • Kinh tế

Cấp thiết tăng sức chống chịu của nền kinh tế

Qua 10 tháng, kinh tế vĩ mô của Việt Nam tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, song tăng sức chống chịu, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ là vấn đề cấp thiết. Đây là khẳng định của các đại biểu tại hội thảo do trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức với chủ đề “Sức chống chịu, khả năng phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế”.

Trong hơn 2 năm qua nền kinh tế Việt Nam đã chịu nhiều cú sốc từ bối cảnh bên ngoài. Đặc biệt căng thẳng địa chính trị, gián đoạn chuỗi cung ứng trên thế giới đã khiến giá hàng hóa, nguyên vật liệu tăng cao..tình hình xăng dầu thế giới biến động đã tác động không nhỏ đến Việt nam. Do vậy việc triển khai quyết liệt hơn nữa các giải pháp tăng cường sức chống chịu cho nền kinh tế là điều cần thiết và cấp bách hiện nay. Một trong những giải pháp trọng tâm là phát triển và vận hành hiệu quả các thị trường quan trọng, khai thác nội lực, phát triển nền kinh tế ở trong nước, đầu tư cho chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.

PGS.TS NGUYỄN ANH THU - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học kinh tế- Đại học Quốc gia Hà Nội: “Giải pháp đột phá trong ngắn hạn lẫn dài hạn là huy động vốn và ưu tiên vốn cho chuyển đổi số, chuyển đổi xanh cùng với đó là nguồn nhân lực là vấn đề quan trọng đối với sự phát triển của Việt Nam...”

PGS.TS GIANG THANH LONG - Viện trưởng Viện Chính sách và Quản lý, Đại học Kinh tế Quốc dân: " Do độ mở nền kinh tế khá lớn nên cần chính sách linh hoạt để thúc đẩy xuất khẩu sang quốc gia đối tác, cùng với đó giữ được ổn định sản xuất trong nước, các chính sách tiền tệ, tài khoá,  giúp các doanh nghiệp thuận lợi trong hoạt động sản xuất, kinh doanh”

Cũng theo các đại biểu, các giải pháp trọng tâm 2023 cần tập trung thực hiện hiệu quả các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; chương trình phòng, chống dịch Covid-19 (2022-2023); chủ động ứng phó linh hoạt, kịp thời, hiệu quả với các tình huống phát sinh, xử lý kịp thời các vấn đề tồn đọng; bảo đảm hài hòa, gắn kết chặt chẽ giữa phục hồi, tăng trưởng kinh tế và giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn...; đầu tư cải thiện nâng cao năng suất, chất lượng lao động.

Như Quỳnh