Câu chuyện hôm nay: Đẩy mạnh phát triển dự án kinh tế biển

Tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XV với 95,78% ý kiến tán thành của các đại biểu quốc hội, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 55, cho phép về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển của tỉnh Khánh Hòa. Hơn một năm đã trôi qua và mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030 của Khánh Hòa lại gần thêm hơn một bước. 5 năm là thời gian để các cấp lãnh đạo và người dân Khánh Hòa cùng nhau hoàn thiện các nấc thang của nghị quyết 55. Đồng hành với mục tiêu, nhiệm vụ luôn là những khó khăn, thử thách. Sau hơn một năm, giờ là lúc nhìn lại những gì tỉnh Khánh Hòa đã đạt được trong thời gian qua khi đã được áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù.

Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị đề ra mục tiêu, năm 2030, tỉnh Khánh Hòa trở thành một cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước. Thế mạnh của Khánh Hòa là kinh tế biển. Mà ở đó, Khu kinh tế Vân Phong trước tiên là động lực phát triển của cả tỉnh, đồng thời là chìa khoá quan trọng để giải bài toán phát triển liên kết vùng.

Khu kinh tế Vân Phong - nơi được ví như “thỏi nam châm” thu hút nhà đầu tư chiến lược. Từ 2006 đến nay, đã thu hút được 146 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký khoảng 5,1 tỷ USD. Bình quân Khu kinh tế Vân Phong đã đóng góp từ 30% đến 40% nguồn thu ngân sách của Khánh Hoà. Kim ngạch xuất khẩu chiếm hơn 40% của cả tỉnh, giải quyết việc làm cho 12.000 lao động. Đến nay, giá trị các ngành kinh tế biển đã chiếm khoảng 80% GRDP trên địa bàn tỉnh.

Cả nước hiện có 18 khu kinh tế ven biển đã được thành lập. Trong đó, diện tích của KKT Vân Phong lớn nhất, 150 nghìn ha, bằng diện tích của cả 3 khu (Phú Quốc, Vân Đồn, Dung Quất) cộng lại. Nhưng lợi thế về diện tích chỉ là một phần, KKT Vân Phong còn là nơi có cảng trung chuyển quốc tế lớn nhất Việt Nam, gần nhất với các trục giao thông hàng hải quốc tế, thuận lợi cho phát triển logistics. 

Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!

Lê Huy -

Văn Lệ -

Thu Hường