Câu chuyện hôm nay: Hà Nội sau 15 năm mở rộng địa giới hành chính

1/8/2023, tròn 15 năm Thủ đô Hà Nội mở rộng địa giới hành chính theo Nghị quyết số 15 của Quốc hội khóa 12. Sau 15 năm, diện mạo Thủ đô đã có nhiều thay đổi.

Nếu như 2008, trước khi hợp nhất, Thủ đô Hà Nội chỉ gồm 29 quận, huyện, thị xã. Thì sau khi QH ban hành nghị quyết, thủ đô Hà Nội được mở rộng ra, bao gồm: Hà Nội cũ, toàn bộ tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc) và 4 xã của huyện Lương Sơn (Hòa Bình).

Sau khi mở rộng, Thủ đô Hà Nội có quỹ đất rộng gấp 3 lần diện tích cũ, với hơn 3.300 km2. Với diện tích này, Hà Nội nằm trong số 17 thành phố, thủ đô lớn nhất thế giới. Diện tích mở rộng hơn, đây là điều kiện tốt để di dời các trụ sở, trường học, cơ sở ý tế ra khỏi nội đô… Dù việc di dời này chưa thực hiện được như mục tiêu mong muốn, nhưng quá trình đó đang diễn ra. Và dân số thủ đô cũng tăng gần 1,4 lần, từ 6,2 triệu người (năm 2008) lên 8,6 triệu người (năm 2023).

Về kinh tế, có thể cảm nhận được sự đi lên về nhiều mặt của thủ đô, không chỉ giữ vững tốc độ tăng trưởng cao, là động lực phát triển của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với kinh tế của cả nước. 

Động lực chính cho sự phát triển của Thủ đô trong 15 năm mở rộng có thể kể đến 3 yếu tố: Thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực. Mỗi năm, Hà Nội dành 30 - 40% nguồn vốn ngân sách để đầu tư cho giao thông. Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao được coi là nhiệm vụ trung tâm. Luật Thủ đô có hiệu lực từ tháng 7/2013, văn bản pháp lý quan trọng với mục tiêu tạo cơ chế đặc thù cho Hà Nội phát triển. Sau 10 năm, Luật Thủ đô sửa đổi cũng đang được cân nhắc xem xét, kỳ vọng tạo cơ chế vượt trội để Thủ đô khai thác tốt hơn nguồn lực, phát triển bứt phá trong thời gian tới.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Truyền hình Quốc hội Việt Nam