Châu Âu chốt mức trần 60 USD/thùng đối với dầu Nga

Hôm nay 3/12, nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7), Australia cùng Liên minh châu Âu EU đã đạt được đồng thuận về con số cụ thể 60 USD/thùng dầu trong nỗ lực áp giá trần với dầu của Nga. Đây được cho là một bước đi quan trọng của phương Tây nhằm sắp xếp lại thị trường dầu mỏ toàn cầu và cản trở dòng tiền của Moscow.

Áp trần giá lên dầu Nga là ý tưởng của nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7), nhằm mục đích kép là vừa giảm nguồn thu của Nga từ xuất khẩu dầu thô, vừa ngăn chặn nguy cơ tăng vọt của giá dầu thế giới sau khi lệnh cấm vận của EU đối với dầu thô Nga xuất khẩu bằng đường biển chính thức có hiệu lực từ ngày 5/12.

Ngày hôm qua, EU cuối cùng đã đạt thỏa thuận về con số cụ thể 60 USD/thùng về trần giá áp lên dầu Nga, sau khi Ba Lan - nước trước đó phản đối - chấp nhận mức giá trần này. Thỏa thuận mở đường cho việc phê chuẩn chính thức trong hôm nay hoặc ngày mai, và trần giá có thể chính thức được áp dụng vào đầu tuần tới.

Nga đang xuất khẩu khoảng 5 triệu thùng dầu mỗi ngày. Từ khi có thông tin phương Tây muốn áp trần giá dầu Nga, Nga đã lên tiếng phản đối các công cụ phi thị trường như vậy, cho rằng động thái này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường năng lượng, khi dẫn tới thâm hụt, tăng giá và người tiêu dùng sẽ là bên chịu thiệt hại.

Tổng thống Putin đã nói rằng Nga sẽ không bán dầu dưới giá trần và sẽ trả đũa các quốc gia thực hiện biện pháp này. Thực tế, mức giá trần 60 USD/thùng có thể cho phép Nga tiếp tục bán dầu và duy trì được thu nhập hiện tại, bởi dầu của Nga đang được giao dịch với mức khoảng 63 USD/thùng.

Tuy nhiên, việc áp giá trần đặt ra rủi ro lớn đối với thị trường dầu mỏ toàn cầu là mất đi một lượng lớn dầu thô từ nhà sản xuất số 2 thế giới. Nó có thể làm tăng giá xăng dầu, gây ảnh hưởng trực tiếp đến chính các quốc gia phương Tây khi các nước này vốn đang phải đối mặt với các cuộc biểu tình về chi phí sinh hoạt tăng cao. Những thay đổi về chi phí năng lượng chắc chắn cũng sẽ khiến các nước đang phát triển bị tổn thương, dù phương Tây lập luận rằng trần giá sẽ đặc biệt có lợi cho các quốc gia thu nhập thấp và trung bình vốn phải gánh chịu nhiều tác động của giá năng lượng và lương thực toàn cầu tăng cao trong năm nay./.

Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!

Hồng Nhung