Chim cánh cụt ở Nam cực có nguy cơ tuyệt chủng sau 30 năm nữa

Tại khu vực Nam Cực, tình trạng biến đổi khí hậu đang gây ảnh hưởng mạnh. Loài chim cánh cụt hoàng đế quý hiếm đối diện nguy cơ tuyệt chủng.

Chuyên gia nghiên cứu tại Viện Nam Cực Argentina (IAA) cho rằng, loài chim cánh cụt hoàng đế tại Nam Cực có thể tuyệt chủng hoàn toàn trong vòng 30 - 40 năm nữa vì chúng dựa vào băng để hoàn thành vòng đời của mình. Không giống như loài chim cánh cụt Adelia - một loài đặc hữu của Nam Cực - xây tổ, chim cánh cụt hoàng đế sinh sản trên băng biển.

Bà MARCELA LIBERTELLI - Viện Nam Cực Argentina (IAA): “Khi nền băng mất đi sự ổn định, những con chim cánh cụt đang trưởng thành có thể không mọc được lông, vì vậy chúng không thể hoạt động trên biển. Bên cạnh đó, các mặt băng vỡ ra khi nhiệt độ tăng lên có thể làm chúng mất nơi cư trú. Đặc biệt, nếu thiếu bộ lông chống thấm nước thì chúng không thể bơi, cuối cùng sẽ chết đuối vì lạnh và đói.”

Các dự báo về khí hậu hiện nay cho thấy khu vực sinh tồn của loài chim cánh cụt hoàng đế nằm giữa vĩ độ 60 - 70, có nguy cơ cao sẽ biến mất trong vài thập kỷ tới. Bên cạnh đó, Tổ chức Khí tượng Thế giới cũng đã cảnh báo về nhiệt độ khắc nghiệt hơn, những trận mưa bất thường và trượt băng ở Nam Cực vào đầu tháng 4 vừa qua.

Đinh Phượng