• 1025 lượt xem
  • 15:51 12/08/2022
  • Kinh tế

Chính sách chưa rõ dẫn đến Nghị định có nhưng cổ phần hoá vẫn đóng băng

Cùng với khó khăn về định giá trị của doanh nghiệp thì phương án sử dụng đất trong quá trình cổ phần hóa cũng phức tạp không kém bởi những doanh nghiệp này có rất nhiều đất nằm ở rất nhiều địa phương khác nhau..dẫn đến việc cổ phần hoá trong thời gian qua còn chậm, thu từ cổ phần hoá không nhiều. Cùng với đó, chính sách chưa rõ ràng dẫn đến Nghị định có nhưng sau cổ phần hoá vẫn cứ “đóng băng”.

Đây là nội dung được các thành viên UBTVQH thảo luận khi cho ý kiến vào Dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.

Chủ nhiệm Uỷ ban tài chính ngân sách Nguyễn Phú Cường cho rằng, hiện nay, vướng mắc nhất của cổ phần hóa vẫn là xác định giá trị doanh nghiệp. Do vậy luật sửa đổi lần này cần tính toán kỹ để giá trị này sát nhất với giá thị trường.

Ông NGUYỄN PHÚ CƯỜNG, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội: Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách kiến nghị là xác định giá trị doanh nghiệp như thế nào để sát giá thị trường hoặc đây là một cái nằm trong khuôn khổ để sửa Luật Đất đai tới đây, đất ở ngoài khu công nghiệp thực hiện sản xuất, kinh doanh, nhất là kinh doanh dịch vụ thương mại có thể giao đất, thu tiền thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, như vậy mới sát giá thị trường ở phần chính sách 2”.

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng cho rằng cùng với khó khăn về định giá giá trị của doanh nghiệp thì phương án sử dụng đất trong quá trình cổ phần hóa cũng phức tạp không kém bởi những doanh nghiệp này có rất nhiều đất nằm ở rất nhiều địa phương khác nhau, vì vậy cần nghiên cứu để tách bạch phương án sử dụng đất.

Ông VŨ HỒNG THANH, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội: “Quá trình cổ phần hóa đối với một số doanh nghiệp chúng ta chậm bởi vì phương án sử dụng đất của những doanh nghiệp rất nhiều đất nằm ở rất nhiều địa phương, tất cả các địa phương phải có phương án sử dụng đất ở trong phương án cổ phần hóa rất là phức tạp và kéo dài thời gian. Có thể phải nghiên cứu để làm sao tách bạch phương án sử dụng đất như thế nào đó và trong quá trình gắn với việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất của các doanh nghiệp cổ phần hóa, bảo đảm nâng cao hiệu quả.”

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng việc sửa luật là vấn đề cấp bách vì Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã giám sát 2 lần về cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước cũng đều đề cập. Tuy nhiên, theo Chủ tịch Quốc hội, dự thảo luật lần này chuẩn bị chưa kỹ, chính sách chưa rõ ràng.

Chủ tịch Quốc hội VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: “Rất nhiều việc đại sự tôi chưa thấy các đồng chí nêu được ở đây. Ví dụ vấn đề về cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Bây giờ có vài nghị định nhưng vì sao công tác cổ phần hóa mấy năm nay cứ đóng băng, giờ có luật hóa vấn đề đó vào đây không? Từ vấn đề định giá ở trong đó, sắp xếp đất đai cổ phần hóa, cổ đông chiến lược, có hay không có nhà đầu tư chiến lược cũng cãi nhau chán rồi trong nghị định cũng phải ban hành, tiêu chí nhà đầu tư chiến lược thế nào, v.v.. Nói chán nói chê nhưng cuối cùng không thấy nói gì trong này.”

Ông NGUYỄN ĐỨC CHI, Thứ trưởng Bộ Tài chính: “Đúng là vấn đề về cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước vừa qua cũng là một vấn đề rất nhiều vướng mắc, dẫn đến quá trình thực hiện đến nay rất chậm. Bộ Tài chính sẽ đánh giá và báo cáo với Chính phủ cũng như báo cáo với Quốc hội, trong 5 năm giai đoạn 2021-2025 khả năng sẽ rất khó để thực hiện theo Nghị quyết của Quốc hội là chúng ta sẽ thu được nguồn thu từ cổ phần hóa và thoái vốn là 248.000 tỷ. Bộ Tài chính cũng đang có tổng hợp, đánh giá rồi báo cáo với Chính phủ để báo cáo với Quốc hội về khả năng trong triển khai cổ phần hóa và thoái vốn để thực hiện các nghị quyết của Quốc hội.”

Kết luận nội dung làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, do chính sách chưa đủ rõ, cần bổ sung làm rõ hơn, vì vậy Thường vụ Quốc hội giao lại cho Chính phủ khẩn trương chuẩn bị hồ sơ để trình Thường vụ Quốc hội xem xét trong các phiên họp tới. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến của các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, ý kiến thẩm tra của các cơ quan Quốc hội, đặc biệt là ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội, bảo đảm yêu cầu là kịp thời điều chỉnh những vấn đề mới mà thực tiễn đặt ra, khắc phục được những tồn tại, hạn chế, bất cập của luật hiện hành, thể chế hóa đầy đủ các chủ trương mới của Đảng và Quốc hội, nhất là các vấn đề liên quan đến quản lý vốn, cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, đất đai, quản lý quỹ, đổi mới và phát triển doanh nghiệp và các vấn đề có liên quan.

Quang Sỹ