Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khảo sát các công trình trọng điểm Đồng bằng Sông Cửu Long

Chiều 18/5, Đoàn công tác của Ủy ban Kinh tế Quốc hội do ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội làm Trưởng đoàn đã có buổi khảo sát thực địa vị trí triển khai dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và Cảng nước sâu Trần Đề tỉnh Sóc Trăng.

Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có tổng chiều dài hơn 188km, điểm đầu kết nối QL91 thuộc TP Châu Đốc, tỉnh An Giang, đi song song với QL91 qua TP Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng và kết thúc tại cảng Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng.

Trong giai đoạn 1, tuyến được đầu tư với quy mô 4 làn xe, bố trí làn xe dừng khẩn cấp không liên tục với tổng mức đầu tư hơn 44.690 tỷ đồng. Dự án được kiến nghị chia thành 4 dự án thành phần. Về phương án giải phóng mặt bằng, đơn vị tư vấn cho biết, diện tích đất cần sử dụng cho dự án khoảng 1.205ha, trong đó đất trồng lúa khoảng 860ha, đất dân cư 24ha, đất trồng cây lâu năm 127ha với khoảng 1.190 hộ dân bị ảnh hưởng.

Công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư sẽ được tách thành tiểu dự án độc lập trong quyết định đầu tư để giao cho các địa phương có dự án đi qua tổ chức thực hiện.

Tại buổi khảo sát, ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội  lưu ý, đơn vị thực hiện dự án, địa phương có kế hoạch dự phòng nguồn cát; công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư để sau khi Quốc hội chấp thuận chủ trương đầu tư là dự án có thể bắt tay triển khai ngay. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội cũng đề nghị, đơn vị tư vấn, tùy theo địa chất từng đoạn, có biện pháp xử lý kỹ thuật phù hợp, đặc biệt là đối với các khu vực đất nền yếu.

Cùng ngày, đoàn đã đến khảo tại khu bến cảng Trần Đề để tiến hành khảo sát thực địa. Cảng biển Trần Đề được quy hoạch có khả năng tiếp nhận tàu tổng hợp, container lên đến 100.000 tấn, tàu hàng rời đến 160.000 tấn. Dự kiến, cảng Trần Đề có tổng diện tích quy hoạch là 4.550ha, khu cảng có diện tích khoảng 550ha, cầu cảng vượt biển dài khoảng 16- 18km. Đây là cảng biển được kỳ vọng trở thành cửa ngõ phục vụ xuất nhập khẩu cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, đây là dự án mang ý nghĩa quan trọng đối với hạ tầng giao thông vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Do đó, cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng để phát huy tối đa tính kết nối của dự án đối với hệ thống hạ tầng giao thông thủy bộ, hệ thống cảng biển, hàng không và các dự án khác.

Chí Điển