Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Xây dựng Tòa án điện tử là xu thế tất yếu trong thời đại số

Sáng 15/10, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương họp phiên thứ hai. Trưởng Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự và chỉ đạo phiên họp.

Phát biểu chỉ đạo phiên họp, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết, tại phiên họp này, Tổ Đề án sẽ xem xét, cho ý kiến 3 nội dung, bao gồm: Đề án xây dựng Toà án điện tử ở Việt Nam đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp đến năm 2030, định hướng đến năm 2045; Đề án xây dựng Luật tư pháp người chưa thành niên; Báo cáo đề án về cơ sở vật chất, bộ máy, cán bộ và lộ trình cụ thể thực hiện việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

Về Đề án xây dựng Toà án điện tử ở Việt Nam đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, đề án có mục đích nâng cao hiệu quả, trách nhiệm xét xử, thực hiện công khai, minh bạch, nâng cao niềm tin của nhân dân, của công lý, tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của xã hội. Theo Chủ tịch nước, việc xây dựng Tòa án điện tử là xu thế tất yếu trong “thời đại số” hiện nay để đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và bắt kịp với nền tư pháp văn minh của thế giới.

Đề án xây dựng Luật tư pháp người chưa thành niên nhằm nâng cao hiệu quả phòng chống vi phạm pháp luật của người chưa thành niên, đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích tốt nhất cho người chưa thành niên tham gia tố tụng, thúc đẩy việc tái hòa nhập của người chưa thành niên, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật và bảo vệ của xã hội, cộng đồng. Đối với việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh khi hỏi cung bị can, Chủ tịch nước cho rằng đây là điểm mới của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, nhằm cụ thể hoá đường lối, chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp. Tuy nhiên, việc thực hiện chủ trương này thời gian qua còn có nhiều vướng mắc, Chủ tịch nước yêu cầu trong phiên họp này cần báo cáo Ban chỉ đạo những khó khăn, vướng mắc và phương hướng khắc phục.