Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Giám sát phải gắn với trách nhiệm giải trình, đặc biệt của người đứng đầu

Tiếp tục phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9, sáng 24/9, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe và cho ý kiến về dự thảo Kế hoạch giám sát chi tiết và đề cương các báo cáo của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021”.

Theo Dự thảo kế hoạch, nội dung giám sát bao gồm: Việc ban hành chính sách, văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực năng lượng; Tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 – 2021. Đoàn giám sát đã lựa chọn và đề xuất 06 nhóm vấn đề nổi bật trong lĩnh vực năng lượng hiện nay để tập trung giám sát và xây dựng báo cáo bao gồm: Về cung cầu và an ninh năng lượng, quy hoạch tổng thể và quy hoạch các phân ngành năng lượng, Về bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính; Về khoa học, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành năng lượng; Về quản lý nhà nước trong lĩnh vực năng lượng; Về một số nội dung khác như: hợp tác quốc tế, các vấn đề xã hội, quốc phòng, an ninh liên quan đến phát triển năng lượng; xử lý các dự án năng lượng chậm tiến độ, gặp khó khăn, vướng mắc.

Góp ý hoàn thiện dự thảo kế hoạch giám sát, các ý kiến cho rằng, Việc lựa chọn chuyên đề này là rất cần thiết, có ý nghĩa quan trọng trước thách thức lớn về bảo đảm an ninh năng lượng, đáp ứng nhu cầu đủ năng lượng để phát triển kinh tế - xã hội. Nhất trí với nhiều nội dung đề cương kế hoạch, tuy nhiên về phương pháp tiến hành giám sát cần xem xét nghiên cứu để đảm bảo tính hiệu quả.

Ông NGUYỄN QUỐC HIỆP, Ủy viên Uỷ ban kiểm tra Trung ương: "Nếu làm việc chỉ nghe thì không chỉ ra được trách nhiệm cũng như bất cập, tồn tại, hoặc sau giám sát có thể chỉ ra tồn tại  nhưng phải đặt ra vấn đề đánh giá trách nhiệm của các cơ quan".

Đồng tình với quan điểm cần làm rõ phạm vi nội dung giám sát, đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm; Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, kết quả giám sát phải gắn với trách nhiệm giải trình, nhất trách nhiệm của người đứng đầu.

Chủ tịch Quốc hội VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: "Cuối cùng của việc giám sát, nhất là giám sát của Quốc hội, phải gắn với trách nhiệm giải trình của các tổ chức, cấp, ngành, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu. Không làm rõ được cái này thì chung chung hết. Muốn nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả của giám sát thì phải thực hiện được việc này".

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị cần xác định rõ hơn nữa mục đích thực hiện giám sát. Đặc biệt do giám sát của Quốc hội là giám sát tối cao nên bên cạnh mục đích đánh giá được việc thể chế hóa các chủ chương chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước thì cần đánh giá được tổng thể việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để tổ chức triển khai các luật có liên quan lĩnh vực này./.

Tùng Dương