• 2085 lượt xem
  • 18:38 09/06/2022
  • Xã hội

Chung tay giảm thiểu rác thải nhựa Đại Dương

Rác thải nhựa đại dương được cho là nguyên nhân hàng đầu tác động tiêu cực đến môi trường và hệ sinh thái. Điều này đã và đang đặt ra những thách thức không nhỏ đối với chính quyền nhiều nơi, trong đó có Việt Nam. Đây là một trong những nội dung được các diễn giả đề cập và thảo luận tại buổi Tọa đàm về “Ô nhiễm nhựa Đại dương” do Đại sứ quán Hoa Kỳ tổ chức trong chiều 08/06.

Theo một số nghiên cứu, Việt Nam hàng năm thải ra 3,7 triệu tấn rác thải nhựa sau tiêu dùng, phần lớn trong số này là rác thải nhựa không được quản lý, dẫn tới việc rò rỉ ra môi trường tự nhiên, trong đó có môi trường nước như sông ngòi, ao hồ và đại dương.

Bà TRỊNH THÁI HÀ, Giám đốc Quốc gia, Đối tác Hành động Quốc gia về Nhựa Việt Nam: “Vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa đại dương đang ảnh hưởng tới môi trường sinh thái cũng như đa dạng sinh học ở trong môi trường biển, ví dụ như ven bờ hay ngoài khơi. Cũng có một số nghiên cứu đã tìm thấy được sự hiện diện của vi nhựa là cái phát sinh từ vấn đề rác thải nhựa đại dương, và tìm thấy vi nhựa trong một số các loài sinh vật biển.”

Theo các diễn giả, hiện khối lượng rác thải nhựa thải ra được thu gom tái chế tại Việt Nam chỉ chiếm khoảng 11% tổng khối lượng rác thải nhựa phát sinh. Đây là con số rất hạn chế. Nguyên nhân của tình trạng này được các diễn giả đưa ra là do Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức trong việc quản lý rác thải nhựa.

Bà HOLLY LINDQUIST THOMAS, Trưởng phòng Môi trường, Khoa học, Công nghệ và Y tế, Đại sứ quán Hoa Kỳ: “Có rất nhiều thách thức, đầu tiên là công nghệ, tức là làm thế nào để chúng ta thu gom được rác thải, thứ hai là về ngân sách, tức là làm thế nào để có thể tài trợ cho các hoạt động nghiên cứu, hoạt động thu gom rác thải. Chúng ta vẫn cần nghiên cứu thêm về các loại rác thải nhựa, làm thế nào để giải quyết chúng”

Từ thực tế này, rất nhiều sáng kiến của Chính phủ và khu vực tư nhân, các chương trình giảm thiểu rác thải nhựa do Hoa Kỳ tài trợ đã được triển khai, nhằm “tiếp cận từ đầu nguồn tới cuối nguồn” để giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa, hướng tới mục tiêu 75% rác thải nhựa đại dương được giảm thiểu vào năm 2030. Tuy nhiên, điều này là chưa đủ, vẫn cần phải có những thay đổi đến từ phía người tiêu dùng và các doanh nghiệp. 

Bà TRỊNH THÁI HÀ, Giám đốc Quốc gia, Đối tác Hành động Quốc gia về Nhựa Việt Nam: “Thứ nhất, chúng ta cần phải có thay đổi hành vi của người tiêu dùng, của các đơn vị sản xuất để giảm thiểu sự tiêu dùng các sản phẩm nhựa không thân thiện với môi trường hoặc là những sản phẩm nhựa không thiết yếu. Thứ 2 là chúng ta cần tăng cường thu gom, phân loại, tái chế, tái sử dụng rác thải nhựa, hơn nữa là quản lý và xử lý rác thải nhựa để làm sao không thất thoát rò rỉ ra môi trường.”

Tại buổi tọa đàm, các diễn giả cũng đã giải đáp những thắc mắc, những câu hỏi của khách mời tham dự liên quan tới việc xử lý và giảm thiểu rác thải nhựa đại dương.

Truyền hình Quốc hội Việt Nam