Còn nhiều vướng mắc trong chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng

Vẫn còn nhiều vướng mắc, bất cập trong các văn bản pháp luật, đang là rào cản cho các ngành, địa phương, đơn vị trong phát triển năng lượng là ghi nhận của tổ công tác của Đoàn Giám sát chuyên đề “việc thực hiện các chính sách pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 – 2021” khi khảo sát thực tế tại 2 tỉnh Thái Bình và Quảng Ninh vừa qua.

Khó có thể đưa dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 vào sản xuất thương mại bởi những vướng mắc liên quan đến cấp giấy phép về môi trường ; nghiệm thu hệ thống phòng cháy chữa cháy

Phải ngừng vận hành ¼ tổ máy trong 2 tháng đầu năm 2023 do lượng than cung cấp bị thiếu so với nhu cầu huy động. Lại thêm chất lượng than không giống như thiết kế ban đầu và việc phối trộn than nội địa và than nhập khẩu dẫn đến đơn vị này gặp khó trong việc đảm bảo hiệu suất lò hơi, turbine.

Đây là 2 trong rất nhiều bất cập, vướng mắc mà Tổ công tác ghi nhận. Nhiều bài toán được đặt ra như định hướng phát triển năng lượng nguyên tử, năng lượng tái tạo, chuyển dịch năng lượng hay ảnh hưởng của quy hoạch tỉnh đến quy hoạch năng lượng, câu chuyện Cop 26 có tác động đến việc khai thác, phát triển năng lượng hiện nay như thế nào?

Từ kiến nghị về tiêu chuẩn, quy chuẩn trong ngành Than, Xăng dầu hay về các quy định kỹ thuật bắt buộc khác của pháp luật chậm đổi mới, gây khó cho các ngành, đơn vị, Tổ công tác đã ghi nhận, tổng hợp, trình Ủy ban KHCN&MT để đưa vào dự thảo thẩm tra Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật ( sửa đổi) dự kiến sửa đổi trong nhiệm kỳ Quốc hội này.

Tổ công tác cũng đề nghị các địa phương cần báo cáo chi tiết các tồn tại, vướng mắc, có ví dụ, dẫn chứng minh họa để đoàn giám sát nhìn nhận, tổng hợp trong báo cáo trình UBTVQH cũng như đề xuất Quốc hội, Chính phủ có những điều chỉnh kịp thời, phù hợp, đảm bảo việc phát triển năng lượng gắn với phát triển kinh tế xã hội bền vững ở các địa phương.

Tùng Dương