Công trình an ninh quốc gia Hồ Dầu Tiếng bị xâm lấn nghiêm trọng, chính quyền huyện nói gì?

Hồ Dầu Tiếng là công trình an ninh quốc gia nằm trên địa bàn 3 tỉnh gồm Tây Ninh, Bình Dương và Bình Phước thuộc vùng Đông Nam Bộ, Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay vùng hồ nằm ở vị trí xã Minh Hoà, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương đang bị một số cá nhân ngang nhiên san lấp, lấn chiếm nhiều ha đất vùng bán ngập để làm dự án làm ảnh hưởng đến công trình hồ.

Khu vực bị san lấp, lấn chiếm thuộc địa bàn xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng mặc dù cơ quan chức năng gồm chính quyền xã, huyện, đơn vị chủ quản của công trình là Công ty TNHH MTV (trách nhiệm hữu hạn một thành viên) Khai thác Thuỷ lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa đã nhiều lần đến hiện trường lập biên bản yêu cầu dừng san lấp trái phép, tuy nhiên công trình này vẫn tiếp tục thi công như chưa có chuyện gì xảy ra.

Mặc dù, công ty Thuỷ lợi Dầu Tiếng đã cắm mốc, phân định ranh giới diện tích đất bán ngập của hồ, nhưng các đối tượng lợi dụng mực nước xuống thấp, đưa phương tiện, máy móc vào đào bới, san lấp và làm công trình. Theo ước lượng ban đầu của đoàn kiểm tra, phần đất bị san lấp có chiều dài khoảng gần chục cây số, rộng từ 100m đến hơn 200m. Tính tổng diện tích bị lấn chiếm có thể lên đến khoảng 5-6ha. 

Ông LÊ VĂN CÔNG, Phòng quản lý nước và công trình Công ty TNHH MTV Khai thác Thuỷ lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa: 
“Công trình sai phạm lấn chiếm đất hồ, san lấp mà không có sự cho phép của các cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp phép. Nó chở đất từ trong vùng cao, dùng máy đào, đưa lên ô tô vận chuyển chở ra san lấp hồ Dầu Tiếng để lấn ra lòng hồ. Sự việc này chúng tôi đã nhiều lần nhắc nhở, phối hợp với chính quyền địa phương lập biên bản tạm dừng nhưng mỗi khi chúng tôi đi về thì họ lại tiếp tục"

Ông BÙI ĐĂNG KHOA, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác Thuỷ lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa: Công trình hiện đang bị xâm hại nghiêm trọng do san lấp, làm thay đổi hiện trạng. Hồ Dầu Tiếng giống như bàn tay, các ngón tay là các nhánh suối đổ về hồ. Hiện nay một số nhánh suối ở xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng thì bị san lấp, lấn chiếm trái phép."

Trước đó, ngày 20/5, Công ty TNHH MTV Khai thác Thuỷ lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa đã có công văn gửi UBND huyện, công an huyện Dầu Tiếng, công an xã Minh Hoà đề nghị phối hợp ngăn chặn tình trạng lấn chiếm, san lấp trái phép diện tích bán ngập của hồ. Do đơn vị chủ hồ không có đủ thẩm quyền xử lý mạnh tay, nên chủ công trình này vẫn bỏ ngoài tai yêu cầu dừng san lấp, vẫn tiếp tục san lấp, xây dựng rầm rộ. 

Ông TRẦN QUANG TUYÊN, Phó Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dường: “Đây chỉ là một hộ gia đình, quyền sử dụng đất của ông này là Huỳnh Tấn Đạt diện tích cấp sổ 2012 là 36ha. Nằm trong vùng bán ngập 14h6. Đầu tháng 6 ông này có hiện tượng san lấp, lấn vùng bán ngập của công ty. Trong thời gian qua, huyện đã chỉ đạo địa phương tiến hành lập biên bản".

Điều đáng nói là, 25% diện tích ở Bình Dương tuy nhỏ, hẹp, nhưng lại vô cùng quan trọng nó là một mạng lưới những con suối tích nước vào hồ. Việc lấn chiếm lòng hồ còn ảnh hưởng đến diện tích hồ khiến lòng hồ thu hẹp, thu hẹp diện tích chứa nước. Hi vọng chính quyền địa phương cương quyết xử lý triệt để có thể trả lại nguyên trạng ban đầu, làm gương cho các công trình tiếp và tránh làm ảnh hưởng đến nguồn nước cho 5 tỉnh.