COP 26: Cần tiếp tục hành động gì để biến cam kết thành hiện thực?

Biến đổi khí hậu đã hiện hữu, tác động trực tiếp đến mỗi quốc gia và từng người dân. Mặc dù các nước trên thế giới có xuất phát điểm khác nhau, có sự phân hóa giàu nghèo nhưng trước vấn đề nhiệt độ nóng lên toàn cầu, tất cả các quốc gia đều phải chung tay, đưa ra những cam kết mạnh mẽ hơn nữa, đồng thời “cam kết cần đi đôi với hành động” chống biến đổi khí hậu.

Diễn ra trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với tình trạng khủng hoảng khí hậu và khủng hoảng năng lượng có những diễn biến phức tạp, hội nghị COP27 mang nhiều ý nghĩa quan trọng, là một tiến trình tiếp nối của Hội nghị COP26, nhằm tiếp tục thực hiện và tăng cường hợp tác giữa các quốc gia trên toàn thế giới để cùng nhau thúc đẩy các nỗ lực toàn cầu chống lại biến đổi khí hậu.

Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP27) với chương trình nghị sự gồm 4 vấn đề trọng tâm là tài chính khí hậu, thích ứng với biến đổi khí hậu, tổn thất, thiệt hại và nâng mục tiêu trong hành động khí hậu.

Các chủ đề được thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh bao gồm phát triển hydro xanh, vấn đề nước và an ninh lương thực, chuyển đổi năng lượng và các cộng đồng dễ bị tổn thương. Với thông điệp xuyên suốt là "Cùng nhau hành động", COP27 nhấn mạnh các ưu tiên của năm 2022 là cần hành động, chuyển đổi các cam kết, các tuyên bố thành những kết quả và hành động cụ thể.

Đặc biệt trong bối cảnh các kiểu hiện tượng thời tiết cực đoan đang ngày càng gia tăng cường độ và tần suất do hậu quả của biến đổi khí hậu, các kết quả của COP27 sẽ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng - nhất là với các cộng đồng dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu, đồng thời cũng được xem là bước ngoặt hành động vì khí hậu.

Trong đó, tài chính khí hậu là vấn đề then chốt tại COP27 lần này. Bởi trên thực tế, ngân sách dành cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu luôn là vấn đề gây tranh cãi.

Tích cực tham gia vào Hội nghị COP27, Đoàn đại biểu của Việt Nam đã có các buổi làm việc về thúc đẩy hình thành thị trường carbon tại Việt Nam; thực hiện các cam kết về khí hậu cũng như quá trình chuyển đổi năng lượng…Đặc biệt, một số cam kết mới cũng đã được đưa ra tại COP27. Việt Nam đã đệ trình tới Liên hợp quốc bản Báo cáo Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật năm 2022. Theo đó, đặt mục tiêu giảm 43,5% tổng lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030 nếu có sự hỗ trợ từ quốc tế, tăng vượt bậc so với báo cáo trước đó (27%).

Trước đó, tại Hội nghị COP 26 tại Glasgow, Vương quốc Anh, năm 2021, Việt Nam trở thành điểm sáng với tuyên bố mục tiêu đưa phát thải ròng về "0” vào năm 2050. Cam kết này đã góp phần định hình các chiến lược bảo vệ khí hậu của Việt Nam ngay sau COP26, với việc ban hành những chính sách, hành động để tạo cơ sở cụ thể hóa các cam kết.

Ngay sau khi hội nghị COP26 kết thúc, một lộ trình tổng thể nhằm hiện thực hóa các mục tiêu khí hậu đã được Chính phủ Việt Nam đề ra. Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo và thành lập ngay Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26. Tiếp đó, Thủ tướng đã phê duyệt Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả COP26; ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030; Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050.

Đồng thời, một lộ trình tổng thể đã được đưa ra nhằm hiện thực hóa các mục tiêu khí hậu đã cam kết bằng việc tạo hành lang pháp lý, thúc đẩy và hỗ trợ các ngành, các lĩnh vực, các địa phương cùng có trách nhiệm giảm phát thải…Có thể thấy, Việt Nam là một trong số những quốc gia đã có hành động ngay lập tức.

Tại COP26, Việt Nam là một trong những quốc gia đưa ra các cam kết mạnh mẽ như loại bỏ dần điện than; đồng hành cùng Chính phủ, Quốc hội cũng đã đưa ra nhiều kế hoạch, cụ thể là đưa hoạt động giám sát về phát triển năng lượng vào chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023. Tiếp nối những cam kết tại COP26, những chủ đề trọng tâm được đưa ra tại COP27 có ý nghĩa trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với nhiều diễn biến mới về biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng. Điều này cũng đặt ra cho Việt Nam cần tiếp tục triển khai những kế hoạch hành động cụ thể gì để biến những cam kết về biến đổi khí hậu thành hiện thực. Cùng nghe ý kiến của TS.HOÀNG DƯƠNG TÙNG, Nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Mời quý vị và các bạn tiếp tục theo dõi chương trình!