Cụ thể hóa các quy định bảo vệ trẻ em trước hành vi bạo lực gia đình

Cũng trong sáng nay, các đại biểu Quốc hội tiến hành thảo luận về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Một trong những nội dung nhận được sự quan tâm của các đại biểu ngay từ những phát biểu đầu tiên là việc: Làm thế nào để cụ thể hóa các quy định bảo vệ trẻ em trước hành vi bạo lực gia đình?

Cho rằng nội dung dự thảo luật chưa chú trọng đến đối tượng trẻ em, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) nhấn mạnh, trong năm 2021 số trẻ em bị bạo lực gia đình bởi người thân chiếm tỷ lệ cao nhất trong số vụ bạo hành trẻ em khi chiếm tới 72,84%. Tuy nhiên, hiện những nội dung quy định trong dự thảo luật chỉ hướng đến người lớn, nhiều quy định không phù hợp với đối tượng trẻ em.

Bà NGUYỄN THỊ VIỆT NGA, Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương: "Điều 9 dự thảo quy định quyền và trách nhiệm của người bị bạo lực gia đình hầu như không phù hợp. Nếu người bị bạo lực gia đình là trẻ em, các em không thể yêu cầu cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền bảo vệ sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp của mình, cũng không thể yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn, bảo vệ, cấm tiếp xúc theo quy định của luật này và cũng không thể yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình bồi thường thiệt hại, thậm chí quyền khiếu nại, tố cáo về phòng, chống bạo lực gia đình cũng không có ý nghĩa đối với nạn nhân là trẻ em, nhất là trẻ em còn rất nhỏ tuổi."

Tán thành với ý kiến trên, đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa (đoàn Hải Dương) nhấn mạnh, cần định nghĩa rõ các hành vi bạo lực gia đình với trẻ em. Đồng thời đề nghị các cơ quan tiếp tục nghiên cứu việc bổ sung các quy định, tạo thêm hành lang bảo vệ trẻ em trong dự thảo Luật.

Bà NGUYỄN THỊ MAI THOA, Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương: "Tiếp tục nghiên cứu như về việc bổ sung riêng các hành vi bạo lực gia đình đối với trẻ em, trong đó có hành vi cưỡng ép, sử dụng các chất kích thích, kể cả rượu bia và các chất kích thích khác. Nghiên cứu tiếp thu ý kiến về việc bổ sung quy định các hình thức tư vấn về phòng chống bạo lực gia đình, trong đó bổ sung hình thức tư vấn tại nhà hoặc tại trường học, trong trường hợp người bị bạo hành gia đình là trẻ em từ 6 tuổi trở lên. Nghiên cứu, tiếp thu ý kiến bổ sung địa chỉ tiếp nhận tin báo, tố giác bạo lực gia đình phù hợp với trẻ em."

Riêng về quy định áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc trong trường hợp người bị bạo lực gia đình là trẻ em, có ý kiến cho rằng quy định này lấp được khoảng trống thực tiễn để bảo vệ tốt hơn trẻ em trước hành vi bạo lực gia đình.

Bà TRẦN THỊ HỒNG THANH, Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình: "Trẻ em là đối tượng cấm tiếp xúc là phù hợp trẻ em, tực tế thời gian qua nhiều vụ việc…., lâp được khoảng trống".

Các ý kiến cũng đề nghị cần làm rõ hơn nữa trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức liên quan trong vụ việc bạo lực gia đình đối với trẻ em. Đặc biệt là bổ sung đầy đủ các biện pháp hỗ trợ đối với trẻ em là nạn nhân bạo lực gia đình, trong đó cân nhắc địa chỉ nhà trường được xem là địa chỉ tin cậy đối với trẻ em.