Điểm tin quốc tế tối 12/3: Cậu bé 11 tuổi Ukraine một mình sơ tán sang Slovakia

Mặc dù khẳng định Mỹ và các đồng minh NATO sẽ không đối đầu với Nga ở Ukraine song Mỹ và các nước châu Âu tiếp tục gia tăng các biện pháp trừng phạt nhằm vào Moscow. Trong khi đó, Nga chuẩn bị quốc hữu hóa doanh nghiệp nước ngoài ngừng hoạt động. Hay, câu chuyện xúc động về cậu bé Ukraine 11 tuổi một mình vượt 1.000 km đi sơ tán là những tin tức nổi bật trong ngày.

Chiến sự leo thang, phương tây gia tăng trừng phạt Nga

Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine đã bước sang ngày thứ 17. Mặc dù đàm phán giữa Nga và Ukraine bắt đầu có những tiến triển, song tình hình trên thực địa vẫn chưa có dấu hiệu lắng dịu. Giao tranh và xung đột vẫn xảy ra tại nhiều khu vực tại Ukraine. Trong động thái mới nhất, Mỹ và các nước châu Âu tiếp tục gia tăng các biện pháp trừng phạt nhằm vào Moscow.

Trong ngày hôm qua và hôm nay, Nga đã tiến hành không kích nhằm vào các cơ sở hạ tầng quân sự ở phía Tây Ukraine bằng vũ khí chính xác tầm xa. Các cuộc tấn công đã phá hủy 2 sân bay gần thành phố Lutsk và Ivano-Frankivsk. Như vậy, tính đến hiện tại, Nga đã tiến hành chiến dịch quân sự ở cả 4 mặt trận: Đông, Tây, Nam, Bắc.

Về phần mình, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng xác nhận, các lực lượng Nga đã tiến hành chiến dịch ở nhiều thành phố. Tình hình chiến sự được dự báo có thể sẽ khốc liệt hơn, nếu cả Nga và Ukraine cho phép các tình nguyện viện nước ngoài tham gia chiến đấu. 

Tổng thống Ukraine VOLODYMYR ZELENSKIY: "Các cuộc tấn công của Nga vẫn diễn ra, phá hủy nhiều khu vực như Mariupol, Kharkiv, Ivano-Frankivsk. Nếu mọi thứ tiếp tục, có nghĩa là các biện pháp trừng phạt với Nga là chưa đủ. Tôi mong đợi nhiều biện pháp trừng phạt hơn nhằm vào Nga."

Đáp lại lời kêu gọi này, Tổng thống Joe Biden cho biết, Mỹ và các nước nhóm G7 sẽ tiến tới thu hồi quy chế “tối huệ quốc” trong quan hệ thương mại với Nga và tiếp tục cấm thêm một số mặt hàng khác nhập khẩu từ nước này.

Tổng thống Mỹ JOE BIDEN: “Thu hồi quy chế tối huệ quốc đối với Nga sẽ khiến Nga khó kinh doanh với Mỹ hơn. Đây sẽ là đón giáng mạnh nữa đối với nền kinh tế Nga vốn đã bị ảnh hưởng rất nặng nề bởi các biện pháp trừng phạt của chúng tôi. Chúng tôi cũng đang thực hiện các bước tiếp theo là cấm nhập khẩu hàng hóa từ một số lĩnh vực thế mạnh của nền kinh tế Nga, bao gồm thủy sản, rượu vodka và kim cương.”

Tối huệ quốc là một trong những quy chế pháp lý quan trọng trong thương mại quốc tế hiện đại. Quy chế này được coi là một trong những nguyên tắc nền tảng của hệ thống thương mại đa phương của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) nhằm đảm bảo một quốc gia sẽ dành cho tất cả các quốc gia đối tác chế độ ưu đãi thương mại ngang nhau.

Trong một động thái tương tự, Liên minh châu Âu EU hôm nay cũng bắt đầu thực hiện gói biện pháp thứ tư nhằm vào Moscow. Giống như Mỹ và G7, EU sẽ thu hồi quy chế thương mại “tối huệ quốc” của Nga, mở đường cho Khối này cấm hoặc áp đặt thuế quan trừng phạt đối với hàng hóa của Moscow. Bước đầu tiên, EU sẽ cấm nhập khẩu các mặt hàng thuộc lĩnh vực sắt thép. Các nước phương Tây tuyên bố, vẫn đang tiếp tục nghiên cứu thêm các biện pháp trừng phạt lên Nga.

Mỹ khẳng định không đối đầu trực tiếp với Nga

Trong một tuyên bố phát đi từ Nhà Trắng, Tổng thống Biden nhấn mạnh, Mỹ và các đồng minh NATO sẽ không đối đầu với Nga ở Ukraine vì một cuộc xung đột trực tiếp sẽ dẫn tới Thế chiến thứ 3, điều mà các bên cần phải tránh.

Nhà lãnh đạo Mỹ cũng khẳng định cam kết của Washington sẽ cùng các đồng minh châu Âu bảo vệ lãnh thổ NATO. 

Tổng thống Mỹ JOE BIDEN: "Chúng tôi sẽ đảm bảo Ukraine có vũ khí để tự vệ trước lực lượng Nga. Chúng tôi sẽ chào đón những người tị nạn Ukraine. Chúng tôi sẽ sát cánh cùng các đồng minh ở châu Âu và gửi đi thông điệp rõ rằng chúng tôi sẽ bảo vệ từng tấc đất của NATO. Đó là lý do tại sao tôi điều hơn 12.000 binh lính Mỹ dọc theo biên giới với Nga, Latvia, Estonia, Lithuania, Romania. Rõ ràng là nếu chúng ta đáp trả, Thế chiến III sẽ nổ ra, nhưng chúng ta có nghĩa vụ thiêng liêng phải bảo vệ lãnh thổ NATO theo Điều 5 hiệp ước của khối."

Chính quyền của Tổng thống Biden trong thời gian qua vẫn kiên định về việc không cử quân đội tới Ukraine vì điều này có thể dẫn tới một cuộc chiến toàn cầu tiềm tàng và lâu dài với một cường quốc hạt nhân khác. Nhà Trắng cũng đã bác bỏ đề xuất thiết lập vùng cấm bay ở Ukraine.

Liên hợp quốc: Ukraine không sở hữu vũ khí sinh học

Phát biểu trước Hội đồng Bảo an, bà Izumi Nakamitsu - Đại diện cấp cao của LHQ về các vấn đề giải trừ quân bị khẳng định, Liên hợp quốc "không biết" về bất kỳ chương trình vũ khí sinh học nào tại Ukraine – quốc gia đã tham gia công ước cấm các loại vũ khí đó cùng với hơn 180 nước thành viên LHQ, bao gồm cả Mỹ và Nga. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng khẳng định nước này không phát triển vũ khí hóa học và các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác. 

Về phần mình, Mỹ đã bác bỏ mạnh mẽ các cáo buộc của Nga về việc Washington có các phòng thí nghiệm vũ khí sinh học tại Ukraine. Theo phía Mỹ, giống như nhiều quốc gia khác, Ukraine có các phòng thí nghiệm y tế nghiên cứu về cách thức đối phó với những mầm bệnh nguy hiểm có thể đe dọa động vật và con người. Những phòng thí nghiệm này được Mỹ, Liên minh châu Âu và Tổ chức Y tế thế giới hỗ trợ.

Nga chuẩn bị quốc hữu hóa doanh nghiệp nước ngoài ngừng hoạt động

Tổng thống Nga cho biết có khả năng sẽ quốc hữu hóa các công ty này trong ngắn hạn để không làm ảnh hưởng đến các nhà cung cấp của Nga. Và một trong những phương án xư lý với những công ty có hơn 25% vốn nước ngoài là Chính phủ Nga sẽ đóng băng cổ phiếu để bảo vệ tài sản cũng như nhân viên của công ty. Các công ty có 5 ngày để bắt đầu hoạt động trở lại hoặc sau đó sẽ bị buộc bán lại số cổ phiếu của mình. Danh sách các công ty này lên đến 60 công ty trong đó có trong đó có McDonald’s, Apple, Microsoft, IBM và Porsche. 

Mỹ đã ngay lập tức lên tiếng sẽ luôn ủng hộ các công ty Mỹ và cho rằng bước đi này của Nga đã gửi tín hiệu rằng Nga không phải là một nơi an toàn để đầu tư cũng như Nga có thể phải đối mặt với các cáo buộc pháp lý từ những công ty có tài sản bị tịch thu.

Cậu bé 11 tuổi Ukraine một mình sơ tán sang slovakia

Giao tranh và xung đột tại Ukraine suốt 2 tuần qua đã khiến hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa, quê hương sang các quốc gia láng giềng tránh nạn. Và mới đây, câu chuyện đầy xúc động về một cậu bé 11 tuổi người Ukraine một mình sơ tán sang Slovakia đã được lan truyền trên mạng xã hội, gây sự chú ý đặc biệt với dư luận toàn cầu.

Hassan Al-Khalaf, 11 tuổi đến Slovakia vào đầu tháng 3. Cậu bé thu hút sự chú ý của giới truyền thống sau khi cảnh sát địa phương đăng tải câu chuyện về cậu lên Facebook, gọi cậu là "anh hùng" sau chuyến hành trình dài bằng tàu hỏa và đi bộ từ Zaporizhzhia ở đông nam Ukraine để đến Slovakia.

Em HASSAN AL-KHALAF: “Cháu muốn nói lời cảm ơn đến các tình nguyện viên đã sẵn sàng giúp đỡ những người mà họ không hề quen biết, như cháu chẳng hạn.”

Cậu bé Hassan Al-Khalaf đã vượt hành trình gần 1.000 km mà không có người thân đi cùng. Đồng hành cùng em chỉ có một chiếc balô màu trắng, hộ chiếu cá nhân và số điện thoại liên lạc viết nguệch ngoạc trên tay.

Mẹ em đã đưa con lên chuyến tàu hỏa từ quê nhà đi Slovakia, nhưng không thể đi cùng vì phải ở lại chăm sóc bà ngoại già yếu. Nhờ những thông tin được viết trên tay cậu bé và một mảnh giấy kẹp trong hộ chiếu, các nhân viên ở biên giới đã nhanh chóng liên lạc được với người thân cậu bé ở Slovakia để họ đến đón cậu bé về nhà an toàn ở thủ đô Bratislava.

Em HASSAN AL-KHALAF: "Mẹ muốn cháu đi. Chính niềm hy vọng của mẹ đã giúp cháu vượt qua được chuyến hành trình này. Điều khó khăn nhất với cháu lúc này chính là phải xa nhà, xa mẹ."

Hassan chỉ là một trong số hơn 2,5 triệu người tị nạn đã chạy trốn khỏi Ukraine, sang các quốc gia láng giềng tránh nạn, sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm vào nước này. 

Đinh Giang