• 1213 lượt xem
  • 20:53 04/02/2023
  • Xã hội

Việt Nam nỗ lực xây dựng thị trường carbon

Để đạt được mục tiêu giảm phát thải ròng về bằng “0” vào năm 2050 như cam kết tại COP26, Việt Nam phải đối mặt với thách thức phát triển hướng tới một nền kinh tế carbon thấp. Trong đó định giá carbon, bao gồm thuế carbon và thị trường carbon, được coi là công cụ hữu hiệu và khả thi.

Vậy Việt Nam lựa chọn phương pháp định giá carbon nào và hiện đang triển khai ra sao? 

Trong 3 thập kỷ qua, nền kinh tế Việt Nam phát triển nhanh chóng tỷ lệ thuận với việc gia tăng phát thải khí nhà kính. Việc xây dựng và vận hành thị trường carbon trong nước sẽ giúp Việt Nam nắm bắt được những cơ hội trong việc giảm phát thải carbon một cách hiệu quả, tăng khả năng tương thích với các cơ chế định giá carbon quốc tế, tạo cơ hội liên kết với thị trường carbon trên thế giới và trong khu vực, tăng tính cạnh tranh của các sản phẩm Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Chính vì vậy, Luật Bảo vệ môi trường 2020 và gần đây nhất là Nghị định 06/2022 của Chính phủ về Quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ôzôn đã cụ thể hóa lộ trình thiết lập hệ thống trao đổi hạn ngạch carbon trong nước. Theo đó, đến năm 2028, Việt Nam sẽ chính thức có thị trường carbon trong nước.

THỊ TRƯỜNG CARBON VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA 

Coi thị trường tín chỉ carbon là công cụ bảo vệ môi trường là cách tiếp cận mới phù hợp với bối cảnh hiện nay của Việt Nam. Hệ thống này sẽ mang lại cho các doanh nghiệp động lực mạnh mẽ để tiết kiệm tiền bằng cách cắt giảm lượng khí thải một cách hiệu quả. Tuy nhiên đây là điều không phải nói muốn là có thể làm được ngay! 

Nhiệt điện được xem là một trong những ngành phát thải lớn. Chính vì vậy khi có thông tin tới đây Việt Nam sẽ có thị trường tín chỉ carbon, các nhà máy nhiệt điện đã tìm hiểu thông tin liên quan tới thị trường này để có thể chủ động tham gia khi thị trường chính thức vận hành.

Không chỉ nhiệt điện, sản xuất thép cũng là một trong những ngành phát thải lớn, do đó các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực này cũng đang phải rốt ráo tìm kiếm các giải pháp để giảm thiểu phát thải khí nhà kính. Bởi theo quy định, các doanh nghiệp, đơn vị phát thải lớn bắt buộc phải đầu tư các giải pháp giảm phát thải, và chi phí chắc chắn không hề nhỏ. Nếu các nhà máy, doanh nghiệp không thể giảm phát thải hoặc không tuân thủ Cơ chế giảm và bù đắp carbon, họ sẽ phải mua tín chỉ carbon để bù đắp lượng phát thải của mình.

VIỆT NAM CẦN LƯU Ý GÌ KHI XÂY DỰNG THỊ TRƯỜNG CARBON? 

Theo cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị COP26, Việt Nam sẽ đưa mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Điều này đồng nghĩa với việc tổng lượng carbon phát thải ra môi trường sẽ phải bằng tổng lượng carbon giảm đi. Dù còn nhiều việc cần làm để có thể phát triển thị trường carbon nhằm hướng đến mục tiêu này, nhưng sự nhập cuộc tích cực của Việt Nam thời gian qua đã mang đến nhiều tín hiệu khả quan. Tuy nhiên, đây là lĩnh vực mới nên việc học tập thêm kinh nghiệm Quốc tế để có thể vận hành thị trường carbon hiệu quả hơn là việc cần thiết. Để phân tích rõ hơn về vấn đề này, phóng viên của Truyền hình Quốc hội Việt Nam đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Phương Nam – Chuyên gia nghiên cứu về Thị trường carbon của UNDP, Giám đốc điều hành Climate Innovation.

Là một trong 6 nước trên thế giới chịu ảnh hưởng lớn nhất do biến đổi khí hậu, Việt Nam đã và đang tiên phong trong việc thực hiện các cam kết “xanh”, được cộng đồng quốc tế đánh giá như là hình mẫu về một nước đang phát triển còn nhiều khó khăn nhưng đã có những đóng góp đi đầu cho “ngôi nhà chung” an toàn của nhân loại. Với những tiềm năng và cơ hội sẵn có, cùng cơ sở pháp lý ngày càng hoàn thiện, sự tham gia tích cực và có trách nhiệm của các doanh nghiệp, hy vọng rằng Việt Nam sẽ sớm có được thị trường carbon hoàn chỉnh, đáp ứng mục tiêu chung là giảm phát thải khí nhà kính. 

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!