Cụm tin quốc tế ngày 22/5: Tổng thống Mỹ phê chuẩn dự luật viện trợ 40 tỷ USD cho Ukraine

Tổng thống Mỹ phê chuẩn dự luật viện trợ 40 tỷ USD cho Ukraine; Ngoại giao là chìa khóa giải quyết xung đột Nga-Ukraine; Đức và Qatar tăng cường hợp tác năng lượng; Triều Tiên tăng cường nỗ lực kiểm soát dịch bệnh;... là những thông tin quốc tế đáng chú ý trong ngày 22/5/2022.

TỔNG THỐNG MỸ PHÊ CHUẨN DỰ LUẬT VIỆN TRỢ 40 TỶ USD CHO UKRAINE

Trắng hôm qua tuyên bố, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký phê chuẩn dự luật viện trợ gần 40 tỷ USD cho Ukraine. Đây là gói viện trợ khẩn cấp về quân sự, kinh tế và nhân đạo lớn nhất từ trước đến nay mà Washington dành cho Ki-ép kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine cuối tháng 2 vừa qua. Gói hỗ trợ này nhằm tăng cường khả năng phòng thủ của Ukraine và giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo. Ukraine ước tính mỗi tháng cần khoảng 5 tỷ USD chỉ để bù đắp thâm hụt ngân sách. Ngân hàng Tái thiết và phát triển châu Âu dự báo nền kinh tế Ukraine sẽ giảm 30% trong năm nay. Ngân hàng Thế giới còn dự báo nền kinh tế Ukraine sẽ suy thoái tới 45%.

NGOẠI GIAO LÀ CHÌA KHÓA GIẢI QUYẾT XUNG ĐỘT NGA-UKRAINE

Cuộc xung đột ở Ukraine chỉ có thể được giải quyết thông qua giải pháp “ngoại giao” – đây là tuyên bố vừa được Tổng thống Volodymyr Zelensky đưa ra, trong bối cảnh đàm phán giữa Ki-ép và Mát-cơ-va đang rơi vào bế tắc.

Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình quốc gia Ukraine, Tổng thống Volodymyr Zelensky  khẳng định, ngoại giao là giải pháp nhanh chóng giúp chấm dứt xung đột.

Tổng thống Ukraine VOLODYMYR ZELENSKY: “Cuộc xung đột sẽ chỉ kết thúc thông qua con đường ngoại giao. Tôi tin tưởng vào điều này. Có những điều không thể kết thúc nếu không ngồi vào bàn đàm phán”. 

Đầu tuần này, trưởng đoàn đàm phán Ukraine Mykhailo Podolyak cho rằng đàm phán với Nga hiện “đang tạm treo” sau khi diễn ra đều đặn trong giai đoạn đầu xung đột, nhưng không thu được kết quả đáng kể. Quan chức Kiev tuyên bố nước này sẽ không nhất trí về một lệnh ngừng bắn với Nga nếu Moskva không rút quân bởi Nga sẽ kiểm soát một phần lãnh thổ Ukraine. Ông cũng bác bỏ khả năng Ukraine sẽ ký một thỏa thuận với Nga tương tự như các thỏa thuận hòa bình Minsk, cho rằng điều này chỉ dẫn tới cuộc xung đột tạm thời "bị đóng băng" chứ không phải nền hòa bình bền vững.

ĐỨC VÀ QATAR TĂNG CƯỜNG HỢP TÁC NĂNG LƯỢNG

Qatar đóng vai trò quan trọng trong chính sách năng lượng của Đức, nhằm đa dạng hóa nguồn cung khí đốt, giảm sự phụ thuộc vào Nga. Đây là khẳng định vừa được Thủ tướng Đức Olaf Scholz (ô-láp sôn) đưa ra tại cuộc gặp với Quốc vương Tamim bin Hamad al-Thani.

Phát biểu với báo giới sau cuộc gặp, Thủ tướng Đức Olaf Scholz khẳng định, an ninh năng lượng là vấn đề quan trọng đối với Berlin. Đức sẽ phát triển hạ tầng năng lượng riêng, đủ điều kiện để tiếp nhận khí hóa lỏng (LNG) nhập khẩu bằng tàu chuyên dụng. Đây là bước tiến lớn và Qatar đóng vai trò quan trọng trong chiến lược của Đức.

Thủ tướng Đức OLAF SCHOLZ
“Đức muốn thay đổi cách sử dụng năng lượng để giảm sự phụ thuộc vào năng lượng nhẩu khẩu của Nga. Qatar và Đức sẽ hợp tác chặt chẽ hơn về nguồn cung cấp năng lượng trong tương lai. Thỏa thuận hợp tác năng lượng mà chúng tôi đã ký hôm nay sẽ mở ra những cánh cửa mới cho sự hợp tác thành công trong tương lai”. 

Về phần mình, Quốc vương Al-Thani xác nhận Qatar có kế hoạch cung ứng LNG cho Đức, bắt đầu từ năm 2024. Là nền kinh tế lớn nhất châu Âu, Đức tiêu thụ khoảng 100 tỷ m3 khí đốt/năm, trong đó hơn 50% là nguồn khí từ Nga được vận chuyển qua tuyến đường ống Dòng chảy phương Bắc 1.

TRIỀU TIÊN TĂNG CƯỜNG NỖ LỰC KIỂM SOÁT DỊCH BỆNH

Liên quan đến tình hình dịch covid-19 tại Triều Tiên. Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) nhận định tình hình dịch bệnh tại nước này đã ổn định và được kiểm soát. Hiện giới chức y tế Triều Tiên đang nỗ lực kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh, đảm bảo công tác điều trị cho bệnh nhân, đẩy mạnh công tác chuẩn bị vật tư và kỹ thuật nhằm ứng phó với nguy cơ và thách thức tiềm tàng. Trung tâm Xử lý dịch bệnh khẩn cấp quốc gia cũng tiến hành khảo sát dịch tễ tại một số quận của Bình Nhưỡng để xác minh những đặc điểm của việc nhiễm virus, đồng thời xây dựng biện pháp khoa học nhằm kiểm soát dịch bệnh. So với giai đoạn đầu, Triều Tiên hiện đã đạt được một số thành tựu khi tăng cường nghiên cứu và phân tích sự thay đổi trong diễn biến của bệnh, cũng như những phản ứng và dấu hiệu lâm sàng trong quá trình điều trị.

GIẢI MÃ NGUYÊN NHÂN GÂY BỆNH VIÊM GAN LẠ Ở TRẺ EM

Tính đến thời điểm này, thế giới đã ghi nhận ít nhất 400 ca viêm gan cấp tính bí ẩn ở trẻ nhỏ, tuy nhiên nguyên nhân gây bệnh vẫn chưa được làm rõ. Hiện các nhà khoa học trên khắp thế giới đang đẩy nhanh nỗ lực nghiên cứu, phân tích nhằm tìm ra nguyên nhân gây bệnh. Giới khoa học nghi ngờ cúm dạ dày, COVID-19 và một số virus vô hại thông thường có thể là nguyên nhân gây ra chứng bệnh này. Viêm gan là tình trạng tổn thương nhu mô gan, khiến các chức năng gan bị suy giảm dần dần. Bệnh thường do các virus viêm gan A, B, C, D và E gây ra. Tuy nhiên, các trường hợp viêm gan nằm trong diện điều tra của Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh (CDC) là không bình thường bởi trẻ mắc bệnh không có xét nghiệm dương tính với các virus này.

ỨNG DỤNG GIÚP BẢO VỆ PHỤ NỮ KHỎI BẠO LỰC GIỚI

Trong nỗ lực ứng phó với tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, một nhóm phụ nữ bản địa tại thành phố El Alto của Bolivia, đã phát triển một ứng dụng có khả năng bảo vệ phụ nữ trước các hành vi bạo lực.

Ứng dụng có tên Felisa and Yanapiri, trong tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là 'hạnh phúc' và 'những người giúp đỡ'. Ứng dụng này có khả năng thông báo cho người dùng về quyền của phụ nữ, phát hiện các hành vi bạo lực mà họ có thể phải hứng chịu và hỗ trợ họ tìm kiếm sự trợ giúp về mặt pháp lý, tâm lý và thể chất khi gặp nguy hiểm.

Chị EMILIANA MAYTA
Người dân bản địa
“Tôi nghĩ ứng dụng này rất thú vị vì ngày nay, phụ nữ bị bạo hành về cả tâm lý và thể chất. Vì vậy, chúng tôi, những người phụ nữ, khi nhận được thông báo sẽ cảm thấy được bảo vệ và an tâm hơn”

Các hỗ trợ được cung cấp bất cứ khi nào nút SOS được kích hoạt. Thời điểm người dùng đang phải trải qua bất kỳ hình thức bạo lực nào, ứng dụng sẽ thông báo cho ba người liên hệ gần nhất của nạn nhân rằng cô ấy đang gặp nguy hiểm. 
Theo các nhà phát triển, ứng dụng đã hỗ trợ được 169 trường hợp bị bạo lực gia đình và hiện nay nó có khoảng 500 người dùng.
 

Hùng Cường