• 3541 lượt xem
  • 16:39 20/03/2022
  • Văn hóa

Cuốn sách tôi chọn: “Khái lược văn minh luận” - Nền tảng làm thay đổi thế giới quan của người Nhật

“Khái lược văn minh luận” là cuốn sách đặc biệt quan trong của Fukuzawa Yukichi - Nhà tư tưởng của cuộc Canh Tân Minh Trị góp phần hình thành nên đất nước Nhật Bản hiện đại. Phư-Cư-Za-Wa – Yư-Ki-Chi trình bày mọi suy nghĩ về tiến trình phát triển của nước Nhật để trở thành một quốc gia, một dân tộc văn minh.

Nhật Bản đã trở thành một cường quốc, vượt xa những nước láng giềng Á châu về mức độ phát triển kinh tế, xã hội và văn minh. Và ít ai biết rằng ở thời kỳ công cuộc Minh Trị Duy tân bắt đầu ở Nhật thì đã xuất hiện “Khái lược văn minh luận” - một tác phẩm được xem là nền tảng làm thay đổi thế giới quan của người Nhật, lúc đó vẫn còn tư duy theo lối thủ cựu Nho giáo.

“Khái lược văn minh luận” là cuốn sách đặc biệt quan trong của Fukuzawa Yukichi (Phư-Cư-Za-Wa – Yư-Ki-Chi) – nhà tư tưởng của cuộc Canh Tân Minh Trị góp phần hình thành nên đất nước Nhật Bản hiện đại. Phư-Cư-Za-Wa – Yư-Ki-Chi nêu những kiến giải của ông về văn minh hiện đại hầu như đối lập với lối tư duy thủ cựu Nho giáo của Nhật Bản lúc bấy giờ. Từ đó, ông trình bày mọi suy nghĩ về tiến trình phát triển của nước Nhật để trở thành một quốc gia, một dân tộc văn minh. Và theo ông, độc lập quốc gia là mục tiêu, và văn minh hiện tại của nước Nhật là cách thức để đạt được mục tiêu đó. Mời quý vị và các bạn cùng dịch giả Nguyễn Quốc Vương_một trong những dịch giả rất mến mộ văn hóa, con người Nhật Bản chia sẻ những cảm nhận về “ Khái lược văn minh luận”

Dịch giả Nguyễn Quốc Vương:

Cuốn “Khái lược văn minh luận” này do dịch giả Nguyễn Đỗ An Nhiên dịch, tác giả của cuốn sách là ông Fukuzawa Yukichi. Ông là một người mà nếu như người Việt Nam quan tâm đến Nhật Bản, đọc sách của nước Nhật thì sẽ cảm thấy rất gần gũi và biết nhiều đến ông. Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, đặc biệt khi Nhật đánh thắng Nga trong cuộc chiến tranh Nga Nhật 1904 - 1905 thì trí thức Việt Nam lúc bấy giờ đã rất quan tâm đến Nhật và biết nhiều đến Fukuzawa Yukichi.

Ở trong cuốn sách này ông đã giải thích thế nào là văn minh và ông nhấn mạnh văn minh chủ yếu bàn ở góc độ tinh thần chứ không phải góc độ vật chất. Văn minh ở đây cũng không phải là văn minh dưới góc độ cá nhân con người mà văn minh của một cộng đồng lớn hơn. Ông nói về nguồn gốc lịch sử của văn minh phương tây cũng như văn minh của Nhật Bản, từ đó ông lý giải con đường duy nhất và tốt nhất cho Nhật để có thể bảo vệ được độc lập dân tộc chính là văn minh và ngược lại mục tiêu của văn minh tiến tới là phải có độc lập dân tộc.... Đặc sắc của cuốn sách ở chỗ nó giúp chúng ta có thể hiểu được tư duy của một học giả hàng đầu nước Nhật trong bối cảnh chính quyền thuộc về tay Thiên Hoàng Minh Trị lúc bấy giờ. Là một học giả vừa có Hán học vừa có tây học, tác giả đã bàn rất thấu đáo về câu chuyện trong bối cảnh hỗn loạn đến như vậy thì đường hướng từ giờ của nước Nhật chở đi sẽ là như thế nào và ông nói một cách rất dứt khoát rằng không có con đường nào khác: nước Nhật phải văn minh hóa, phải học cái văn minh của phương tây để trở thành một quốc gia độc lập và hùng cường... 

Khi đọc cuốn này chúng ta sẽ thấy nó khơi gợi lên những điều rất thú vị. Động lực phát triển của xã hội phải đến từ sự văn minh, đặc biệt là sự văn minh tân tiến về tinh thần. Có thể chúng ta làm cho đất nước giàu lên hay cá nhân giàu lên rất nhanh nhưng nếu như cái văn minh tinh thần không có sự tiến triển thì đất nước cũng không văn minh được. Thứ hai là một cái nhìn đối với thế giới bên ngoài. Chúng ta nhìn thế giới như thế nào, chúng ta có sẵn lòng rộng mở để học hỏi thế giới bên ngoài hay không và liệu chúng ta có học được không? Ở trong cuốn này tác giả cũng nói có những luồng tư tưởng hay dư luận ở Nhật cho rằng Nhật là Nhật, phương tây là phương tây cho nên có những thứ mà người Nhật sẽ rất khó học từ phương tây. Nhưng ông cho rằng văn minh lan truyền đến thì chúng ta có thể học được và thực tế đã chứng minh là người Nhật đã học được. Cho nên khi đọc cuốn này và so sánh với Việt Nam hay suy ngẫm về Việt Nam thì cái hay nhất của cuốn sách có thể gợi cho chúng ta trong thời điểm này là khi chúng ta nhìn thế giới bằng con mắt rộng mở thì chúng ta sẽ thấy chúng ta có thể học được những tinh hoa của thế giới.

Quyển sách được Fukuzawa Yukichi viết ra trong một giai đoạn lịch sử rất sôi động của nước Nhật. Hầu hết những người kiến tạo nên lịch sử nước Nhật, hoạt động mạnh mẽ trên vũ đài của Nhật Bản lúc bấy giờ là những người trong độ tuổi từ 25 cho đến 35 tuổi. Cho nên nếu các bạn thanh niên đọc và suy ngẫm về hiện tại cũng như tương lai đất nước mình trong sự so sánh với Nhật Bản thì tôi nghĩ sẽ rất thú vị./.