Cuốn sách tôi chọn: “Bách khoa thư về nghệ thuật” - hội họa, điêu khắc và nhiếp ảnh trong chiều dài lịch sử thế giới

Nghệ thuật luôn hiện hữu trong đời sống của chúng ta, vừa thân quen nhưng cũng còn nhiều lạ lẫm, cho nên lĩnh vực này luôn lôi cuốn và khiến con người luôn muốn khám phá, tìm hiểu về nó, nhất là những người yêu thích nghệ thuật.

Đã có những cuốn sách viết về lịch sử nghệ thuật, cung cấp cho độc giả những kiến thức nhất định và “Bách khoa thư về nghệ thuật” của DK, ấn phẩm của NXB Dân trí là một trong những cuốn sách như vậy. Cuốn sách cung cấp tri thức nghệ thuật phổ thông theo dòng chảy lịch sử của 3 chủ đề: Hội hoạ, điêu khắc và nhiếp ảnh. Và với dịch giả Phạm Linh, “Bách khoa thư về nghệ thuật” đã mang đến cho cô nhiều thú vị…

Dịch giả PHẠM LINH: "Trong quá trình tìm kiếm những cuốn sách về đề tài nghệ thuật, tôi có bắt gặp cuốn “Bách khoa thư về nghệ thuật” của DK. Đây là một cuốn sách có nội dung ở mức độ khá phổ thông và rất dễ đọc, dễ hiểu và dễ tiếp cận đối với đại bộ phận công chúng. Trên quan điểm của tôi, hiện tại ở Việt Nam, đại bộ phận công chúng vẫn còn đang khá thiếu các mảng kiến thức về nghệ thuật phương Tây. Chính vì vậy, tôi thấy rằng cuốn sách “Bách khoa thư về nghệ thuật” này là một cuốn sách rất là cần thiết trong đời sống hiện nay. Cuốn sách có nội dung khá bao quát và xuyên suốt về lịch sử hội họa, điêu khắc và nhiếp ảnh trong suốt chiều dài lịch sử thế giới.

Trước tiên, đập vào mắt là cuốn sách có những hình ảnh rất đẹp, được trình bày rất đẹp và có nội dung rất khoa học. Xuyên suốt từ thời kỳ đồ đá, khi nghệ thuật của loài người bắt đầu được hình thành từ những bức vẽ trên vách đá, cho tới đến thời điểm thế kỷ 21 hiện nay với những nghệ thuật đường phố đương đại, đều được đề cập cụ thể trong cuốn sách này. Ngôn ngữ của cuốn sách cũng rất dễ hiểu và phù hợp với các độc giả, nó không chỉ dành cho thiếu niên mà còn có thể dành cho tất cả đối tượng thuộc nhiều thế hệ trong gia đình, có những mong muốn tìm hiểu sâu hơn về lịch sử nghệ thuật phương Tây. Với cá nhân tôi, tôi quan tâm nhất đến phần hội họa của cuốn sách bởi vì đây là một mảng nghệ thuật khá là trìu tượng và khá khó nhưng nó cũng lại là mảng nghệ thuật nổi bật nhất trong lịch sử nghệ thuật phương Tây.

Ở cuốn sách này tập hợp tất cả những tác phẩm nổi tiếng, người đọc có thể tìm hiểu được tất cả các tác phẩm đó mà không cần phải đặt chân tới đến những bảo tàng tại Paris hay các nước Châu Âu, mà có thể từ cuốn sách này khơi gợi lên những nhu cầu, những mong muốn được tìm hiểu thêm, được chiêm ngưỡng một cách trực quan đối với những tác phẩm nghệ thuật này. Tôi cho rằng cuốn sách là một tiền đề rất cần thiết để cho công chúng Việt Nam có thể tiếp cận với các lĩnh vực nghệ thuật một cách sâu rộng hơn.

Bản thân tôi không phải là một người chuyên làm về nghệ thuật, mà chỉ là một người yêu nghệ thuật. Trước khi được tiếp cận cuốn sách “Bách khoa thư nghệ thuật”, tôi chỉ có những khái niệm rất mơ hồ về hội họa, cũng như điêu khắc, nhiếp ảnh. Tuy nhiên, sau khi đọc được cuốn sách này, tôi có được những sự hiểu biết sâu hơn. Và tôi tin rằng, trên cơ sở những kiến thức cơ bản này, mình sẽ có thể hiểu sâu hơn, có thể tìm hiểu thêm về những tác phẩm nghệ thuật, cho dù là những hiểu biết cơ bản thôi, tôi cũng cho rằng chúng ta nên cần phải đọc, cần phải tìm hiểu về những thông tin cơ bản về chúng và cuốn sách “Bách khoa thư về nghệ thuật” là một cuốn sách rất cần thiết như vậy."

Nhật Thảo