• 3996 lượt xem
  • 16:01 26/01/2022
  • Văn hóa

Cuốn sách tôi chọn: Giải mã văn hóa Dao với Tập thơ Yao

Từ nỗi nhớ bản, nhớ núi, Lý Hữu Lương chưng cất những giấc mơ của mình trong tập thơ Yao. Tập thơ vừa được trao tặng giải cao nhất – giải A của Hội Nhà văn Việt Nam.

Mở tập thơ Yao, người đọc bắt gặp tâm cảm của một người con Dao yêu da diết đồng tộc mình: Cho tôi về chái bếp nhà tôi/ Ngọn khói cong ngủ rồi chưa dậy/ Mẹ đun nồi cám hai mươi năm vẫn dở/ Chái bếp nằm nghe nằng nặng đêm/ Chái bếp vườn nhà cha gọi tên/ Cho cánh nỏ cong hình lưỡi hái/ Cho tuổi mình là hoa là trái/ Chái bếp thõng mình xình xịch mưa/ Cho tôi về chái bếp của tôi / Nhà hai gian cầu tào một trái / Có thần bếp ngụ trong than củi / Có mặt người dợm nắng dợm sương…

Xuyên suốt 35 bài thơ “Khuôn mặt làng”, “Chái bếp”, “Bài ca thiên di”, “Người Dao”, “Phả hệ”, “Sinh mệnh”… Yao đã dựng nên một chân dung một cậu bé Lý Hữu Lương vừa say đắm, nhớ thương vừa sợ hãi, lo âu trước không gian vừa bao la kỳ vĩ vừa bí mật, thâm sâu, bí hiểm của dân tộc mình. Một dân tộc nghèo khó đang đứng trước những biến đổi to lớn về mọi mặt đời sống, văn hoá, tư tưởng với mong muốn không bị chấp chới, mờ nhạt trước thời đại. Một dân tộc tự hào về bản sắc văn hóa của mình: Thần rừng trong núi đã ngủ đêm qua/ Kéo mặt trời không lên để sáng nữa/ Ai chắc đôi tay con trai con gái/ Giữ nhau về trong tiếng lửa đầu hôm?/ Gọi nhau về trong lễ ban tên/ Người cho ta sinh thêm một lần nữa/ Cho con thuyền mỏng như mắt lá/ Giữ bàn tay vạn hồn tha phương

Nhà thơ LÝ HỮU LƯƠNG: “Tôi viết để ngợi ca dân tộc tôi nhưng không phải ngợi ca những dáng váy mà ngợi ca những tấm lưng cong vì  Người luồn rừng đều cong cong  tôi có câu thơ như vậy. Tôi viết về dân tộc tôi là viết về tiếng nói, về tư duy, về lối sống, về cách ăn ở của một dân tộc nhỏ trên đầu ngàn trái núi lớn để mang tâm thức, tình cảm của dân tộc mình ra với một thế giới văn minh hơn. Một cộng đồng người lớn hơn… tôi viết để tri ân dân tộc tôi, người đã cho tôi hình hài, cho tôi tiếng nói, cho tôi tâm hồn và giá trị của tộc người mình.”

Người Dao còn có những tên gọi khác: Mán, Kìm Miền, Kìm Mùn (người rừng), có số dân chừng 700, 800 nghìn người. Lý Hữu Lương là một người con Dao ở núi Bàn Mài luôn khao khát ra đi, khao khát vượt khỏi thung núi Bàn Mài. Thế nhưng, ra đi, để rồi anh ngẫm lại, thấy rõ mình là đứa con của tộc Dao Không rộng hơn tiếng cười nơi đầu nước / Máng nước về thênh thang trở dốc /Gột nhọc nhằn những đời con gái con trai. Và nữa: Mỗi khi hơ tay lên bếp lửa/ Thấy trước mặt là cố hương/ Mỗi bóng người động đậy/ Thấy trước mặt mù sương/ Sống trăm ngày không quần áo đẹp/ Chết một lần mặc đẹp nhất/ Dẫu chết ở trăm núi ngàn sông/ Hồn vượt biển về Dương Châu đại điện… 

Đến với tập thơ Yao, bạn đọc không chỉ thấy bắt gặp vẻ đẹp tâm hồn của dân tộc Dao, không chỉ giải được mã văn hóa Dao qua mã văn hóa tâm hồn của Lý Hữu Lương, mà rất có thể, bạn đọc còn có những suy cảm để từ đó, tìm cách lý giải mã văn hóa của tâm hồn mình.