• 3453 lượt xem
  • 15:19 06/05/2022
  • Văn hóa

Cuốn sách tôi chọn: "Giọt vàng trong nắng"

Tác phẩm "Giọt vàng trong nắng" của tác giả Lê Duy Nghĩa viết về một gia đình yêu nước ở Hà Nội gồm bố là An Văn Hân và hai người con là An Đức Bình và An Văn Song, những người chiến đấu bảo vệ từng góc phố của Thủ đô Hà Nội trong năm tháng của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thập niên 30-40 của thế kỷ trước, họ đã hy sinh thầm lặng, quyết tử để Tổ quốc quyết sinh.

Với những câu từ giàu hình ảnh, cuốn sách đã vẽ lại bức tranh về những năm tháng khốc liệt nhất nhưng cũng hào hùng nhất của cuộc chiến chống thực dân Pháp. Giới thiệu tác phẩm này trong chương trình "Cuốn sách tôi chọn" hôm nay, chúng tôi mong rằng đó vừa là sự tri ân đối với những anh hùng liệt sĩ ấy vừa là để những trang sử hào hùng của dân tộc luôn được nhắc nhớ, trao truyền qua nhiều thế hệ, tiếp nối đến muôn đời.

Tác giả LÊ DUY NGHĨA: Tôi sinh ra vào những năm tháng chiến tranh, màu áo vàng của lực lượng công an giúp dân chạy xuống hầm tăng xê ở phố Ngô Quyền, ở các con phố khi Hà Nội bị ném bom để lại cho tôi ấn tượng mạnh.

Khi tôi được tiếp cận với hồ sơ của các chiến sĩ công an nhân dân hy sinh 1948, có một nhân vật đó là ông An Văn Hân. Ông hoạt động trong lực lượng Việt Minh, ông có 2 người con là An Đức Bình và An Văn Song, cả hai đều đã hy sinh, đã “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

Tôi thấy trong tổng thể màu vàng của lực lượng công an nhân dân, có những giọt vàng đã hy sinh trong thời kỳ chiến tranh vệ quốc, những giọt vàng ấy lung linh tỏa rạng cho đến ngày nay và tôi đã viết cuốn "Giọt vàng trong nắng".

Tôi muốn câu chuyện của mình giúp nhân dân, những thân nhân của họ hiểu được hơn cuộc chiến đấu thầm lặng của các bác. Mỗi lần đi qua phố Lý Thường Kiệt, tôi lại nghĩ năm 1946-1948, lực lượng công an có người hy sinh nhưng tại sao lại không có tên ở trên ấy, có thể thất lạc do chiến tranh. Tôi muốn thông qua tác phẩm này, một ngày nào đó tên của bác được vinh danh ở nơi các liệt sĩ cùng chiến đấu và hy sinh với bác. Cũng như khi cuốn tiểu thuyết ra đời trong cuộc thi "Vì bình yên cuộc sống", tên của bác An Đức Bình (con trai ông An Văn Hân) đã được gắn tại Bảo tàng Công an Hà Nội ở Lý Thường Kiệt. Có lẽ thời gian sẽ xóa nhòa dần kỉ niệm, do vậy tôi muốn thay lời các bác vẽ lại bức tranh những năm tháng khốc liệt nhất của cuộc chiến.

Với tôi, Hà Nội là nơi tôi gửi gắm nhiều nhất, có lẽ thế hệ của bác An Đức Bình và An Văn Song chiến đấu tại Hà Nội cũng vì Hà Nội thân yêu nên tôi viết về Hà Nội rất nhiều, nhiều câu tôi viết trong cảm xúc đặc biệt, có câu tôi viết về Cách mạng Tháng 8: “Chợ đóng cửa, nhà đóng cửa rồi bỗng ào lên như lũ, tràn ra như lũ, sức dồn nén của Cách mạng Tháng 8 của những đợt sóng áp bức khiến người ta co nén như những cây tre và khi họ bật tung lên như thác lũ”. Đó là những câu văn tôi viết ở "Giọt vàng trong nắng"

Tôi nhớ nhất là khi bác An Văn Song đánh ở Bắc Bộ phủ, bác từ dưới cống đi lên, đến nơi quân mình đang chiếm giữ. Tôi viết một đoạn là “An Đức Bình nhìn thấy cái mũ sắt giơ lên ở dưới cống, An Đức Bình đặt tay vào cò súng, nhưng mũ sắt đó lại không động đậy mà cứ lên xuống. An Đức Bình nói nếu là quân Pháp thì sẽ không làm như thế và khi bác An Văn Song thò người lên ở cống thì An Đức Bình bỏ súng xuống và hô ”anh Song". An Văn Song ở dưới cống ngoi lên bảo “Bình ơi, anh đây”. Anh em lao vào nhau, cả đất trời HN sòng sành như một trận động đất, như di chấn". Tôi viết đoạn đấy khi An Đức Bình và An Văn Song gặp nhau trong chiến lũy ở Lò Đúc. 

Trung tướng, nhà văn HỮU ƯỚC - Chủ tịch Chi hội Nhà văn Công an: "Trong tác phẩm này, lịch sử đã quá lâu nhưng đọc vẫn hấp dẫn, với Lê Duy Nghĩa, viết về nhân vật nào là rất yêu nhân vật đó và rất say mê, đấy là điều làm nên tác giả Lê Duy Nghĩa, kiến thức rất rộng. Với các nhân vật lịch sử anh hùng của Công an Nhân dân, Lê Duy Nghĩa bao giờ cũng tìm cái lạ, cái mới, đặc biệt là tìm được góc khuất của nhân vật. Trong "Giọt vàng trong nắng", Lê Duy Nghĩa đã tìm được anh Bình - chiến sĩ Công an Nhân dân diệt ác trừ gian rất thành công".

Phan Xanh