• 2718 lượt xem
  • 14:40 19/06/2022
  • Văn hóa

Cuốn sách tôi chọn: "Hà Nội, mũ rơm và tem phiếu"

Trên văn đàn nước ta, có một số cây bút được coi là “hiện tượng”, và đó thường là các cựu binh. Mặc dù không phải nhà văn chuyên nghiệp, tác phẩm của họ vẫn tạo được tiếng vang, được giới chuyên môn công nhận, và được độc giả đón nhận nhiệt thành. Trong chuyên mục Cuốn sách tôi chọn hôm nay, chúng ta sẽ lắng nghe phần trò chuyện của một cựu binh như thế.

Nhà văn TRUNG SỸ: Tôi viết cuốn “Hà Nội, mũ rơm và tem phiếu” thì tôi nghĩ là bản thân tên đó cũng nói lên nội dung của cuốn sách rồi. Tôi lúc đấy là một cậu bé Hà Nội, ở Hà Nội và đi sơ tán, thì nếm trải cả hai cung bậc trong chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, thì bao giờ cũng có Hà Nội ở trong tôi. Nhớ những gì nhất thì tôi ghi lại. Những cái lạ lẫm của một cậu bé Hà Nội đi sơ tán về thôn quê. Những con dế, những con chuồn chuồn hay những lớp học đắp thành đắp lũy, với mái rạ, với đèn dầu, đèn bão, với những người bạn nhỏ cùng học ở quê rất là hiền lành, rất là tốt bụng. Nhớ mãi, không bao giờ quên được trong lòng một cậu bé Hà Nội. Về sau này thì đến năm 1972, đấy là lần thứ hai chiến tranh phá hoại của Mỹ. Hà Nội khi ấy là Hà Nội chiến đấu, Hà Nội kham khổ, lương thực cấp nhỏ giọt, thực phẩm bán theo tem phiếu. Tất cả đều bình quân. Một Hà Nội gian khó, giống như bài ký của Thép Mới “Thủ đô của phẩm giá con người”, thì ngay một đứa trẻ mới 12-13 tuổi thôi, tôi đã đọc, đã ý thức được rằng Hà Nội đúng là Thăng Long, thật là gian khổ mà cũng rất đáng tự hào!

Nếu mà có được một tấm vé trở về tuổi thơ, nếu được gặp lại một Hà Nội cũ trong khoảng cách ngắn, thì tôi muốn trở lại khung cảnh khi cả gia đình tôi từ Bình Xuyên, Vĩnh Phúc trở về với Hà Nội, trở về giữa lòng chợ hoa đang rất là đông đúc, trở về với bà ngoại tôi lúc đấy còn đang sống. Tôi ôm bà ngoại. Ở trên tường là bức hình một em bé bên hoa rất đẹp. Bà ngoại tôi bật cái bóng đèn. Quả thực bóng đèn điện lúc ấy sao mà nó thần tiên! Và bà ngoại áo nâu, dù ở Hà Nội, còn thơm mùi quết trầu. Không bao giờ tôi quên được phút giây thần tiên ấy! 

Lúc nào trong lòng tôi cũng có Hà Nội, dù tôi có đi xa bao nhiêu lâu nữa. Trong một buổi chiều cuối năm, trở về từ chiến trường thì tôi gặp lại Hà Nội cũ sau những tháng ngày gian khổ, gặp lại những kỉ niệm ấu thơ, thì nó xúc động ghê gớm! Tôi trở về gặp lại những người thân yêu của mình trong buổi chiều ngày Tết ông Công ông Táo, Tết Quý Dậu 1983 không thể nào quên được. Có những cảm giác xúc động muốn ứa nước mắt luôn! 

“Hà Nội, mũ rơm và tem phiếu” của tôi thì nó nằm chìm trong các kiến trúc mới, đường sá mới, các đại lộ mới rồi; nhưng mà trong tấm lòng, trong tâm hồn một người con Hà Nội, thì những phố ấy vẫn còn sống, những người cũ trên phố vẫn còn đi, hoa trên phố vẫn còn nở, và tất cả những người thân yêu cũ vẫn còn, giống như đang trò chuyện. Thế thì Hà Nội phố có hồn phố, cây có hồn cây, và những cái là Hà Nội cũ của tôi đang chìm trong một Hà Nội mới hiện đại, nhưng Hà Nội cũ của tôi không mất đi bao giờ.

Minh Công