• 2251 lượt xem
  • 14:50 21/06/2022
  • Văn hóa

Cuốn sách tôi chọn: Học cách viết chính luận của Nhà báo, nhà thơ, PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh qua tập sách "Giữ lửa"

Nhà báo, nhà thơ, PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh vừa cho ra mắt bạn đọc cuốn “Giữ lửa” tập 4. Tập sách do NXB Văn học vừa ấn hành đầu tháng 5/2022.

“Giữ lửa” tập 4 tập hợp gần 100 bài viết trên nhiều lĩnh vực với nhiều thể loại khác nhau như nghiên cứu, chính luận, tiểu phẩm, bút ký, chân dung, ghi nhanh; giới thiệu tác phẩm mới của bạn bè, đồng nghiệp… thể hiện một trái tim luôn đập nhịp cùng cuộc sống hôm nay, một ngòi bút đa tài, một sức viết khỏe, nhanh và vô cùng bền bỉ. 

Ngay sau đây, xin mời quí vị và các bạn cùng đến với “Giữ lửa” tập 4, qua sự chia sẻ của TS Lưu Trần Luân – Ủy viên Hội đồng Biên tập, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - Sự thật.

TS. LƯU TRẦN LUÂN: ""Giữ lửa" phản ánh một thời đại chúng ta đang sống, viết về đất nước chúng ta đã gồng mình chống dịch và thoát khỏi đại dịch như thế nào. Từ chỉ đạo của Trung ương Đảng, hành động của Chính phủ lẫn các bộ ngành, công an, quân đội, y tế... Tôi cũng ấn tượng vì ông viết rất tình nghĩa. Ông có một người thầy, mà anh viết rất nhanh, đó là GS. Nhà giáo nhân dân Lê Mậu Hãn. Ông khái quát cuộc đời của thầy và viết rất trang trọng về một con người gắn với vùng đất Quảng Trị gió Lào, cát trắng và trở thành một nhà khoa học vào loại hàng đầu trong lịch sử Đảng và lịch sử cận hiện đại Việt Nam hiện nay. Viết về các chính khách, ông cũng viết rất là tài. Khi mà các đồng chí nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu mất anh đều có những bài gắn với những kỷ niệm của cá nhân ông và gắn với báo Nhân dân nơi ông công tác. Những chỉ đạo rất sát sao của hai Tổng Bí thư. Đặc biệt nó gắn với Trường Sơn khi Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên mất, ông cũng có những bài báo về Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên gắn với kỷ niệm của anh những năm ông vào Trường Sơn, Đồng Sỹ Nguyên lúc bấy giờ đang là đại tá chỉ đạo cung đường Trường Sơn ... kỷ niệm hào hùng của một thời đánh giặc. Tôi nghĩ rằng Hồng Vinh viết về con người, về chân dung con người gắn với thời cuộc, gắn với cơ quan mình và gắn với cá nhân mình vì vậy nó rất thuyết phục. Viết với lòng kính trọng, vô cùng sâu sắc và trách nhiệm của người cầm bút với cả một thế hệ đàn anh của mình. Tôi nghĩ đó là những bài báo có lẽ vào loại xuất sắc.

Hồng Vinh là một cây bút đa tài, ông là một cây bút chính luận mà theo nhà báo Hoàng Tùng thì báo chí chúng ta ngày càng phát triển nhanh nhưng tính chính luận ngày càng kém. Hồng Vinh nằm trong số những cây bút lớp sau Hoàng Tùng viết chính luận rất giỏi. Suốt đời ông đi và viết rất nhiều. Hoàng Tùng đánh giá ông là một trong số những cây bút ảnh hưởng, học trò của nhà báo Hồ Chí Minh, đặc biệt nhà báo Sóng Hồng. Tôi nghĩ ông Hồng Vinh là học trò xuất sắc của Hoàng Tùng về tính chính luận rất hào sảng, mạnh mẽ nhưng ông còn có tính trữ tình riêng của mình như lớp nhà báo Lưu Quý Kỳ, cái hóm hỉnh của nhà báo Hữu Thọ. 

Những bạn đọc thông thường có thể qua tập sách của Hồng Vinh để nhìn ra hai năm qua đất nước như thế nào và sức viết, sức nghĩ của Hồng Vinh như thế nào. Hồng Vinh luôn luôn nghĩ, luôn luôn đọc, luôn luôn đi và luôn luôn viết. Đây là cách của Hồng Vinh. Vì ông là nhà báo chính luận, ông viết về chân dung rất giỏi, bút ký cũng rất giỏi vì vậy đọc ở đây các nhà báo chúng ta có thể rút ra kinh nghiệm đọc như thế nào, cách viết của Hồng Vinh ra sao, đặc biệt với những cây bút là Tổng Biên tập, Phó Tổng Biên tập ở các tờ báo thì học Hồng Vinh cách viết chính luận và gắn liền những sự kiện quan trọng của đất nước với mỗi tờ báo."

Văn Thắng