• 1070 lượt xem
  • 17:16 17/01/2022
  • Văn hóa

Cuốn sách tôi chọn: "Nước vẫn chảy dưới chân cầu Mụ Kề"

Bắt đầu bằng những ký ức về chiến tranh tàn phá thành phố Đồng Hới xinh đẹp, cuốn hồi kí “Nước vẫn chảy dưới chân cầu Mụ Kề” của kiến trúc sư Hoàng Hữu Phê mang đến người đọc cái nhìn chân thực từ chiến tranh đổ nát đến đô thị cao tầng, biết đến “lý thuyết đô thị” , biết được rạp xiếc Trung Ương được xây dựng thế nào... Hình hài của đất nước ẩn hiện qua những lát cắt của chính tác giả.

Trong chuyên mục “ Cuốn sách tôi chọn ngày hôm nay”, chúng tôi muốn giới thiệu đến quý vị và các bạn cuốn hồi kí “Nước vẫn chảy dưới chân cầu Mụ Kề” của kiến trúc sư Hoàng Hữu Phê – một cuốn hồi kí giúp người đọc có những cái nhìn chân thực hơn về cuộc chiến phi nghĩa mà Nhân dân ta đã phải trải qua, cũng như sự nỗ lực của cả thể hệ thanh niên Việt Nam đã vượt qua sự tàn phá của chiến tranh, vượt qua sự mặc cảm của đất nước nhỏ bé để bước những bước chân vững chắc ra miền đất mới.

Kiến trúc sư Hoàng Hữu Phê: Cầu Mụ Kề thực chất là hào để thông nước thành cổ Đồng Hới ra phía sông Nhật Lệ. Khi mà thủy triều lên thì nó chảy vào hào thành cổ và khi thủy triều xuống nó chảy ra sông. Tôi suốt ngày chơi ở chỗ đấy và nếu những người nào ở Đồng Hới lâu thì chỉ cần nói Cầu Mụ Kề thôi thì người ta sẽ nhớ lại cả một thời chiến tranh. Đó là một thành phố rất là xinh đẹp và phần lớn bị phá hủy trong chiến tranh.

Nước vẫn chảy dưới chân cầu Mụ Kề” – một tựa sách nghe rất bình dị nhưng lại khá gợi sự tò mò cho người đọc. Và cũng đúng như lời tác giả chia sẻ, thành phố Đồng Hới hiện ra qua chất văn miêu tả của người viết rất đỗi xinh đẹp, bình yên. Thế rồi, chiến tranh tràn qua, khắp nơi là bom, là pháo, là những quả rocket xé trời xé đất, là những sự tàn phá không còn dấu tích. Cuốn hồi kí của tác giả đã bắt đầu bằng những kí ức như vậy.

Nạn nhân đầu tiên chúng tôi chạm đến là một kỹ sư trẻ. Anh chỉ kịp đưa được nửa người vào chiếc hầm nửa nổi nửa chìm ngay trước sân nhà trước khi ngã xuống vì một quả rocket 70 mm, từ thắt lưng xuống chân gần như nát nhừ. Phải bốn đứa chúng tôi mới kéo được anh ra khỏi căn hầm, và tôi nhớ có cậu nào đó đã sợ sệt nhận xét rằng người đã mất bao giờ cũng nặng hơn

Khi chạy băng qua sân gạch để đến chữa cháy một nhà khác, tôi dẫm phải những hạt gì đó rơi vãi trên sân và trượt chân ngã dập mặt xuống đất, gò má đau điếng. Trong ánh lửa cháy nhà bập bùng, tôi kinh hãi nhận ra, ngay bên cạnh nơi tôi ngã, một cậu bé, có lẽ là bé hơn tôi chỉ một hai tuổi, đang nằm chết, với một tay như đang giữ vật gì đó ngang thắt lưng. Tôi cố nhìn kỹ, và chợt hiểu. Đấy là một cậu bé chăn trâu, và cái cậu ta cố nắm trong tay trước khi chết là một ống bơ con chứa ngô rang đeo ở thắt lưng.”

“Tôi không biết đó là lần cuối cùng tôi gặp anh”

Khi tôi đọc những chương đầu của cuốn sách này, điều khiến tim tôi trùng xuống rất nhiều lần đó là sự mất mát. Sự mất mát có thể là của những đứa trẻ cùng tuổi, của những chàng thanh niên đang phơi phới cống hiến, của những thế hệ đã đi qua nửa cuộc đời, và có cả sự mất mát khó bù đắp của những người thân yêu, ruột thịt.

Kiến trúc sư Hoàng Hữu Phê đã kể lại những kí ức đó bằng lối hành văn rất thực, không khiên cưỡng sự bi lụy, khiến tôi cảm nhận mình đang thực sự chứng kiến những thời khắc thắt lòng đó. 

Chiến tranh có đáng sợ không? Có lẽ là với những người ở thế hệ sau như tôi thì rất đáng sợ. Thế nhưng, qua kí ức của tác giả thì dường như chiến tranh là một điều gì đó cần phải đối mặt, sẽ khó có sự yếu mềm, sợ hãi khi phải đặt mình trong hoàn cảnh đó. Hay nói một cách trọn vẹn hơn, những lời văn của ông đưa đến cho người đọc một cảm nhận lạc quan, lạc quan để vượt qua nỗi sợ, vượt qua đau thương của một giai đoạn tăm tối.

Độc giả ĐỖ VŨ : Cuốn tiểu thuyết của Hoàng Hữu Phê cả một cuốn toát lên một tinh thần rất là lạc quan, không phải là lạc quan tếu mà thật sự là lạc quan nhìn vào cái tương lai ẩn đằng sau những cái bi tráng của chiến tranh như thế.

Điểm khá đặc biệt của cuốn hồi kí này là tác giả đã chia các giai đoạn của cuộc đời mình thông qua những dấu mốc là địa điểm. Từ Đồng Hới đến Hà Nội, từ Hà Nội đến Kiev, từ Kiev đến Bangkok, rồi đến Luân Đôn, tác giả tự ví mình như một kẻ “lang bạt kỳ hồ” và quả thực, ông đã có những cuộc hành trình rất kì lạ. Đi qua chiến tranh, chàng trai tỉnh lẻ đã lên con tàu để bước sang những thế giới mới, lạ người, lạ cả tiếng. Chọn ngành kiến trúc, cuộc hành trình của ông đã được nối tiếp bằng những câu chuyện từ nước này qua nước khác, từ thứ ngôn ngữ này qua ngôn ngữ khác, từ những lý thuyết này qua lý thuyết khác, để mỗi người đọc đều có thể cảm nhận sự nỗ lực vượt bậc của cả một thế hệ thanh niên Việt Nam thời kì mới mở cửa. Họ không có gì trong tay ngoài trí tuệ, ngoài niềm tự hào dân tộc, ngoài quyết tâm vươn lên và họ đã gặt hái được thành công. Trong cuốn hồi kí đó, ta có thể tìm hiểu được “lý thuyết đô thị” mà ông viết ra, biết được rạp xiếc Trung Ương được xây dựng thế nào?, biết được khu đô thị Trung Hòa Nhân Chính –một biểu tượng của Hà Nội hình thành thế nào? Và rất nhiều những câu chuyện mang tính chuyên ngành nhưng lại rất cởi mở. 

Từ quá khứ đến hiện tại, từ chiến tranh đổ nát đến đô thị cao tầng, hình hài của đất nước dường như ân hiện qua những lát cắt của chính cuộc đời tác giả. 

Sâu trong lòng, tuy nhiên, tôi vẫn nhớ, là đã từng có một thời rất xa, vào cái ngày tôi còn để đầu trần đi giữa trời nắng chang chang, bên dòng nước róc rách chảy dưới chân cầu Mụ Kề ven sông Nhật Lệ ở Quảng Bình, khi tương lai đô thị ấy hoàn toàn chỉ như là một thứ “utopia’’, hay là những ảo ảnh chấp chới trước đôi mắt trẻ thơ của tôi…..”