• 4242 lượt xem
  • 16:27 30/04/2022
  • Văn hóa

Cuốn sách tôi chọn: "Thiếu tướng xe tăng Đào Huy Vũ" - Câu chuyện về người lính xe tăng số một Việt Nam

Trong ngày 30/4, kỉ niệm non sông thống nhất, chuyên mục “Cuốn sách tôi chọn” xin góp cùng dòng hồi ức chung của dân tộc câu chuyện về cuộc đời một vị chỉ huy hội đủ tài và đức - người có công nghiên cứu, tìm tòi, để tham mưu cho Quân đội đưa ra được phương pháp chiến đấu phù hợp nhất, hiệu quả nhất cho lực lượng tăng thiết giáp Việt Nam - Thiếu tướng xe tăng Đào Huy Vũ.

Đại tá, Nhà văn NGUYỄN KHẮC NGUYỆT: Tháng 4 là một tháng đầy ý nghĩa lịch sử đối với dân tộc Việt Nam. Cách đây 47 năm, đây là những ngày mà chúng ta đang tiến hành chiến dịch Hồ Chí Minh. Trong chiến dịch này, lực lượng tăng thiết giáp Việt Nam đã có sự đóng góp rất to lớn. 

Trong số những người được gọi là khai sơn phá thạch, đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng nên Binh chủng Tăng thiết giáp Việt Nam, chúng tôi - những người lính xe tăng thấy khâm phục và ngưỡng mộ nhất là Thiếu tướng Đào Huy Vũ. Ông được mệnh danh là người lính xe tăng số một Việt Nam. Ông đã chiến đấu rất dũng cảm suốt cả thời kỳ từ khi làm lính cho đến khi trưởng thành, trở thành người chỉ huy cấp cao của quân đội, của binh chủng. Ở ông hội đủ những phẩm chất rất là quan trọng như Bác Hồ đã nói về các vị Tướng, đó là Chí - Dũng - Nhân - Tín - Liêm - Trung. 

Cuốn sách “Thiếu tướng xe tăng Đào Huy Vũ” trải dài suốt cuộc đời, từ khi ông sinh ra, lớn lên, trưởng thành, tham gia cách mạng, rồi đến cuối đời chiến đấu với bệnh tật. Trong 8 chương có một chương trọng điểm nhất về xây dựng lực lượng xe tăng và chỉ huy xe tăng, đó là chương 5 “Từ làng Vây tới Sài Gòn”.  Cái tiêu đề như thế là bởi vì Binh chủng Tăng thiết giáp, bộ đội tăng thiết giáp tham gia chiến đấu lần đầu tiên ở chiến trường Việt Nam tại trận đánh làng Vây ở Quảng Trị, tháng 2/1968; sau đó thì kết thúc chiến dịch Hồ Chí Minh tại Sài Gòn ngày 30/4/1975. Giai đoạn này có thể nói là giai đoạn cống hiến quan trọng nhất của Thiếu tướng Đào Huy Vũ. Ông đã đóng góp cho Bộ Tư lệnh tiền phương những ý kiến quan trọng, để làm nên chiến thắng và mở ra truyền thống “đã ra quân là đánh thắng” của bộ đội tăng thiết giáp Việt Nam.

Ông cũng tham mưu cho Bộ Tư lệnh chiến dịch sử dụng tăng thiết giáp rất hiệu quả, nên giải phóng Huế và Đà Nẵng rất nhanh, sau đó ông cũng là người tham mưu cho Trung tướng Lê Trọng Tấn trong việc tổ chức hành quân cũng như sử dụng lực lượng trong suốt quá trình chiến đấu, đánh theo hình thức hành tiến, tiến công và đã thu được thắng lợi rực rỡ, với chiều sâu tiến công, một ngày có thể tiến đến 70km.

Nhờ vậy, sáng sớm 30/4, chúng tôi vẫn còn ở cầu xa lộ, cách trung tâm Sài Gòn đến 30km, nhưng đến 10h45 đã là những chiếc xe tăng đầu tiên đến đích. Có thể nói, đó là nghệ thuật sử dụng xe tăng thiết giáp cao siêu và đạt hiệu quả rất cao, tốc độ chiến đấu rất cao. 

Ngay tại sân dinh Độc Lập, vào cái giờ phút ấy, tôi thật sự cảm thấy như mơ. Ngay trong buồng lái xe tăng, tôi đã viết khổ thơ: “Khi chiếc xe tăng dừng trước dinh Độc Lập/ Ta ngỡ ngàng, đây là thật hay mơ/ Cây số cuối cùng, cuộc trường chinh dằng dặc/ Đến rồi chăng, hai mắt bỗng dưng nhòa”…  

Tôi muốn trả món nợ tinh thần đối với những đồng đội đã ngã xuống ở chiến trường, đồng thời cũng để cho mọi người hiểu biết hơn về cuộc chiến mà chúng tôi đã trải qua. Từ đó đến nay, tôi đã có hơn chục đầu sách và cuốn sách này là quyển mới nhất tôi viết cụ thể về vị chỉ huy của tôi, người lính xe tăng số một, bởi tôi thấy ở ông là một tấm gương rất lớn để cho các thế hệ sau này có thể học hỏi được điều gì đó./.

Thiện Đoan