Cuốn sách tôi chọn: Tiểu thuyết “Hương”

Trên đất nước của chúng ta có nhiều vùng đất không phải là địa danh bất kỳ. Có những dòng tên mà mỗi khi nhắc đến, mọi người Việt đều cảm thấy thân quen, cho dù chưa từng có dịp đặt chân tới đó. Và thành cổ Quảng Trị cùng dòng sông Thạch Hãn chính là những địa danh như vậy.

Dư âm của “Sự kiện 81 ngày đêm” không chỉ đọng lại trang kí ức khốc liệt, can trường, mà còn gợi nhớ những tâm tư tình cảm rất con người, với khát vọng hòa hợp ở nhiều tầng nghĩa. Chuyên mục Cuốn sách tôi chọn hôm nay xin giới thiệu cuốn tiểu thuyết “HƯƠNG” do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia SỰ THẬT ấn hành. Chúng ta cùng lắng nghe phần chia sẻ từ tác giả - một người lính Quảng Trị năm nào - để cảm thụ những điều sâu xa mà một nhà thơ gửi gắm trong tiểu thuyết.

Nhà thơ - Nhạc sĩ NGUYỄN THỤY KHA: "Năm nay chúng ta kỷ niệm 50 năm cuộc chiến đấu bảo vệ thành cổ Quảng Trị. Một cuộc đối đầu, và giữa tình trạng bom đạn, tức là bom Mỹ trút xuống, pháo Mỹ bắn vào như thế, thì nó gây một niềm xúc động rất lớn suốt nửa thế kỷ qua. Năm nay nhân kỷ niệm, thì tôi có đầu tư để viết một cuốn sách, một cuốn tiểu thuyết sau 50 năm lùi lại, nhìn lại. Lâu nay tôi bắt đầu nghiêng về tối giản. Tất cả mọi thứ, thơ tôi làm cũng chỉ lấy một chữ tên đầu đề thôi. Chữ “HƯƠNG” vừa là tên của nhân vật, nhưng đồng thời tôi nghĩ rằng Quảng Trị nó cũng để lại một cái hương, để cho mọi người thấu hiểu… Và mình đã có sự từng trải, mình đã trải nghiệm rất nhiều, thì mình viết trên tinh thần là chiến tranh vẫn ở dưới tình người, tình yêu, tình đồng bào, tất cả mọi thứ tình… Thế thì nhân vật mà tôi chọn cũng là đặc biệt, đi tìm người yêu thì lại chạy vào phía ác liệt, và ở lại trụ bám cùng đồng đội."

Để viết với hơi thở đương đại bây giờ, tôi dùng cách trộn giữa hư cấu và phi hư cấu, trộn giữa tự sự và đồng hiện, để tạo dựng nên cấu trúc của tác phẩm này. Và tôi hy vọng rằng mối tình của người lính là anh Lĩnh và chị Hương, rồi một người bác sĩ bên phía Việt Nam Cộng hòa là anh Bao, thì nó sẽ để lại trong lòng người đọc một ký ức về Quảng Trị. Ở đó không chỉ có sự gào rú của bom đạn, không chỉ tanh nồng mùi máu xương, mà ở trên đấy còn nở ra một màu xanh của tình yêu.

Nguyên tắc trong chiến tranh là tù binh bên này bị thương thì bên kia phải chữa trị, vì dù sao cũng là con người với nhau, hơn nữa lại cùng là người Việt với nhau. Người Việt rất hiền hòa, và người Việt luôn tiến tới sự hòa dịu đến tận cùng. Thì tôi nghĩ rằng đây là một điều kiện để chia sẻ, để dẫn tới sự hòa hợp rất là tốt. Điều đó nó dắt dẫn đến câu chuyện này một cách rất là đẹp đẽ.
Đối với thế giới thì Quảng Trị cũng là một niềm xúc động. Đó là một vết sẹo câm ở trên hành tinh này, cho nên khi khơi gợi đến nó thì có một ý nghĩa rất là quan trọng, làm xúc động con người. Tôi viết cái này cũng là mình được tiếp nhận năng lượng của những người đã hy sinh. Họ vẫn còn đâu đây, nên họ thúc đẩy tôi. Cho nên hình ảnh cuối cùng là hình ảnh mà hai luồng sáng nó vụt lên trong buổi cầu siêu ấy, đấy là một hình ảnh có thật hẳn hoi, nhưng tự nhiên đọc lên người ta lại thấy nó rất là tiểu thuyết hóa, nó rất lung linh, nó có một cái gì rất gần gũi, và nó cũng hơi ám ảnh, nhưng mà đồng thời nó vẫn dịu dàng. Tôi nghĩ rằng nó sẽ góp phần cho sự hòa hợp dân tộc của chúng ta. Và đây là, có lẽ cũng là một niềm khát khao chung.

Thiện Đoan