• 1993 lượt xem
  • 14:54 16/09/2022
  • Văn hóa

Cuốn sách tôi chọn: “Việt Nam phong tục” - Cuốn sách quý về các phong tục tập quán của người Việt

Cuốn sách “Việt Nam phong tục” của tác giả Phan Kế Bính, do Nhà xuất bản Hồng Đức và Công ty cổ phần Văn hóa và truyền thông Nhã Nam ấn hành, cho đến nay vẫn được xem là cuốn sách có giá trị tư liệu khảo cứu đầy đủ nhất về các phong tục tập quán của người Việt.

Tuy nhiên điều đáng nói là dưới cái nhìn khách quan của Phan Kế Bính, rất nhiều những phong tục tập quán của người Việt đã không còn phù hợp với cuộc sống đương đại nữa, cần phải được sửa đổi. Ngay sau đây, xin mời quí vị đến với “Việt Nam phong tục” qua sự chia sẻ của nhà nghiên cứu dân tộc học BÙI XUÂN ĐÍNH.

Nhà nghiên cứu dân tộc học BÙI XUÂN ĐÍNH: "Việt Nam phong tục của cụ Phan Kế Bính tập hợp các bài viết trên Tạp chí Đông Dương vào những năm 1914 - 1916. Nội dung cuốn sách này gồm 3 phần nói về phong tục trong gia đình, gia tộc; phần thứ 2 là phong tục trong hương đảng, trong làng xã và phần thứ 3 là phong tục trong xã hội.

Cuốn "Việt Nam phong tục" đã cung cấp cho người đọc những thông tin cơ bản nhất, tương đối chính xác, đầy đủ về những phong tục của người Việt trước thời điểm Nguyễn Kế Bính biên soạn.

Phan Kế Bính người làng Thụy Khuê nay thuộc quận Tây Hồ, cụ sinh năm Bính Tý 1876, mất tháng 5 năm 1921. Cụ đỗ cử nhân khoa Bính Ngọ, niên hiệu Thành Thái năm 1906 nhưng cụ không ra làm quan mà ở nhà viết sách, dịch sách. Những tác phẩm nổi tiếng của cụ đó là "Nam Hải dị nhân" nói về những nhân vật nổi tiếng, có cả những nhân vật thật và những nhân vật huyền ảo.

Phan Kế Bính còn nổi tiếng là dịch giả, là một người dịch các tác phẩm của Trung Quốc mà tiêu biểu nhất là bộ "Tam Quốc Chí", đã thu hút biết bao nhiêu thế hệ người Việt.

Là một nhà Nho nhưng đỗ đạt vào thời kỳ mà phong trào Duy Tân của đất nước đang phát triển rất mạnh cho nên Phan Kế Bính có cái nhìn hơi khác so với những nhà nghiên cứu khác. Nếu nhiều nhà nghiên cứu khác thì cổ xúy, tôn vinh, thậm chí có những mặt đề cao quá mức phong tục cổ truyền thì Phan Kế Bính đã thẳng thắn. Với cái nhìn của một nhà Nho tiến bộ, một nhà Nho Tây học, ông đã chỉ ra những mặt không còn phù hợp của phong tục.

Phan Kế Bính muốn nhắc mọi người rằng, phong tục là truyền thống đấy, là văn hoá đấy nhưng nó phù hợp, ứng hợp với điều kiện về kinh tế xã hội văn hoá ở từng thời điểm, từng thời đại. Phong tục không bất biến mà cần phải chỉnh sửa, cần phải được sửa đổi cho nên Phan Kế Bính đã thẳng thắn kêu gọi là phải cải tổ những phong tục không còn phù hợp với cuộc sống đương đại nữa. Thông điệp đó vẫn còn giá trị cho đến hôm nay. Rất nhiều phong tục của chúng ta nếu vẫn tiếp tục duy trì nó sẽ gây tốn kém, lãng phí tiền của cho các tầng lớp xã hội và nó sẽ gây những điều không đồng thuận trong quan hệ xã hội hiện nay."

Hạnh Thủy