Đại biểu Quốc hội đề nghị môn Lịch sử phải là môn học bắt buộc

Đối với Chương trình giáo dục phổ thông 2018, ở cấp THPT, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, Lịch sử phải là môn học tự chọn, bởi đây là môn đặc biệt quan trọng, giữ vai trò chủ đạo trong giáo dục chính trị, tư tưởng với thế hệ trẻ về lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc, truyền thống văn hóa, lịch sử.

Theo quy định mới, môn học Lịch sử từ lớp 1 đến lớp 9 là bắt buộc; từ lớp 10 đến lớp 12 là tự chọn. Đối với vấn đề này, đại biểu cho rằng tự chọn tức là trao quyền cho người học, người học có quyền không chọn. Nếu nhiều trường trong 1 tỉnh không có học sinh nào học thì lúc đó dư luận xã hội sẽ cực kỳ nóng bỏng bởi sẽ làm mai một đến văn hoá dân tộc, bên cạnh đó chưa kể đến số lượng dôi dư giáo viên của bộ môn này.

Ông ĐẶNG HỒNG SỸ, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận: “Theo tôi, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên đưa môn Lịch sử vào bắt buộc. Bắt buộc 210 tiết, còn không bắt buộc thì chọn tiết ít hơn. Ngoài ra, đổi mới nâng cao chất lượng giảng dạy để khuyến khích. Đề nghị tiếp tục đổi mới nâng cao. Đề nghị đẩy mạnh công tác tuyên truyền dẫn tới dư luận có nhiều chiều không tốt”.

Đồng quan điểm, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy cho rằng, môn Lịch sử giữ vai trò chủ đạo trong việc giáo dục lòng yêu nước, tinh thần tự tôn, truyền thống và văn hóa dân tộc. Môn Lịch sử cũng củng cố các giá trị nhân văn, lòng khoan dung, nhân ái, tinh thần cộng đồng và hình thành những phẩm chất của công dân Việt Nam, công dân toàn cầu, trong khi đó độ tuổi từ 13-18 tuổi ảnh hưởng mạnh mẽ bởi điều này.

Bà HOÀNG THỊ THANH THÚY, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh: “Tôi ủng hộ ý kiến môn Lịch sử phải là môn bắt buộc, xem trọng, đặt đúng. Môn Lịch sử đây không phải là môn khoa học mà là môn tình cảm, cảm xúc. Nếu không có cảm xúc thì không thể bảo vệ chế độ được. Là giá trị truyền thống, hoàn thành nhân cách 1 cách rõ nét nên nếu để các em lựa chọn thì cần có sự định hướng chứ không phải là môn tự chọn được."

Thực tế,  ở các  nước phát triển như Anh, Pháp , Mỹ, môn Lịch sử vẫn là môn học bắt buộc trong chương trình giáo dục phổ thông. Do đó, một  số đại biểu  đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét thận trọng, đánh giá khách quan, toàn diện chương trình cải cách giáo dục phổ thông, nhất là việc đưa môn Lịch sử ở bậc trung học phổ thông là môn học tự chọn.
 

Diệu Huyền