Đại biểu Quốc hội lên tiếng khi nội dung xấu độc trên mạng xã hội bủa vây giới trẻ

Tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, các đại biểu Quốc hội đề nghị cần có môi trường pháp lý chặt chẽ nhằm quản lý các nền tảng mạng xã hội để người dùng được tiếp cận với những sản phẩm phù hợp với lứa tuổi và văn hóa.

Đề cập đến những tồn tại trong ứng xử của thanh thiếu niên trên không gian mạng, các ĐBQH nhận định việc lướt xem các video có nội dung xấu độc thường xuyên sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý của thanh, thiếu niên.

Bà NGUYỄN THỊ HÀ, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh: “Việc lướt xem các video có nội dung xấu, độc như vậy thường xuyên thì sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý, dễ dẫn tới những hành vi không chuẩn mực của những thanh, thiếu niên. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới các vụ án thương tâm xảy ra gần đây do người trẻ gây ra vì những mâu thuẫn cá nhân, mâu thuẫn tình, tiền".

Đáng lo ngại là những video xấu độc lại dễ dàng thu hút sự chú ý của thanh niên, thậm chí trẻ em. Do đó các đại biểu kiến nghị cần có môi trường pháp lý chặt chẽ nhằm quản lý các nền tảng mạng xã hội.

Bà LÊ THỊ NGỌC LINH, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu: “Phối hợp nhà trường và gia đình trong công tác giáo dục, định hướng cho các em để các em biết cách khai thác thông tin tích cực, kỹ năng sử dụng mạng xã hội, chọn lọc các thông tin hữu ích và tránh xa những tin độc hại".

Bà NGUYỄN THỊ HÀ, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh: “Cần có môi trường pháp lý chặt chẽ nhằm quản lý các nền tảng mạng xã hội để người dùng được tiếp cận với những sản phẩm phù hợp với lứa tuổi và văn hóa. Hạn chế và kiểm soát những video, những tài khoản đăng tải những nội dung xấu, độc, nghiêm trị những tổ chức, cá nhân có hành vi gây nguy hại cho cộng đồng. Đồng thời, có những chính sách ưu đãi đối với các nền tảng có ứng dụng trí tuệ nhân tạo, ngăn chặn những video hoặc bài đăng có nội dung độc hại".

Các đại biểu đề nghị cần có những chế tài xử lý mạnh hơn nữa đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật trên các trang mạng xã hội, đồng thời giáo dục, hướng dẫn giúp giới trẻ sử dụng mạng xã hội theo hướng tích cực, an toàn, hình thành thói quen sống tích cực, văn hoá trên môi trường số.