Đại biểu Trần Khánh Thu: Cơ quan nào xác định trường hợp cấp bách trong Y tế?

Phát biểu ý kiến về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) tại phiên họp sáng 24/5, ĐBQH Đại biểu Trần Khánh Thu - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cho biết, dự Luật Đấu thầu (sửa đổi) trình tại phiên họp hôm nay đã tiếp thu cơ bản ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội và đảm bảo đồng bộ với các Luật khác có liên quan…

Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong các hoạt động động đấu thầu trong thời gian tới, ĐBQH Đại biểu Trần Khánh Thu góp ý một số vấn đề liên quan đến phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của dự thảo Luật. Tại Khoản 1, Điều 2 của dự thảo Luật, việc đấu thầu sẽ áp dụng đối với các hoạt động mua sắm có sử dụng vốn ngân sách nhà nước, vốn từ nguồn thu hợp pháp theo quy định của pháp luật của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.

Đại biểu đề nghị làm rõ một số nội dung vấn đề liên quan đến quy định này. Cụ thể, nếu các bệnh viện vay vốn thì các hoạt động liên quan đến vốn vay có phải đấu thầu hay không? Nếu bệnh viện sử dụng vốn để thuê thêm trụ sở mua các thiết bị, thiết bị y tế chuyên dùng đặc thù như máy xạ trị gia tốc điều trị ung thư… thì các dịch vụ này có thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu (sửa đổi) hay không? Đại biểu cho rằng, trong trường hợp này, nếu đấu thầu thì sẽ không phù hợp với đặc thù của ngành y tế, đặc biệt là khi đơn vị đang hoạt động tự chủ.

Bên cạnh đó, tại Điều 23 quy định về chỉ định thầu. Điểm c, Khoản 1 có nêu các trường hợp được áp dụng chỉ định thầu đối với các gói thầu mua sắm thuốc, hóa chất, thiết bị y tế, vật tư y tế để cấp cứu người bệnh theo quy định của Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) trong trường hợp cơ sở khám, chữa bệnh không có đủ thuốc, hóa chất, vật tư y tế, được hiểu là khi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không có đủ thuốc, hóa chất, vật tư y tế chỉ được chị định thầu để mua, cấp cứu người bệnh.

Tuy nhiên, trong Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) không có quy định nào về vấn đề này. Hiện nay dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) lại nêu thực hiện theo quy định của Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Do vậy đề nghị thay thế cụm từ “cấp cứu người bệnh” thành “trong tình trạng khẩn cấp, cấp bách”. Đồng thời, cần quy định rõ hơn về trường hợp cấp bách trong y tế, cơ quan nào xác định trường cấp bách.