Dai dẳng câu chuyện ngư dân gặp khó vì tàu 67

Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản được xem là bước đột phá đối với ngành thủy sản. Tuy nhiên, đến nay, đa số tàu vỏ thép đều đánh bắt không hiệu quả, nhiều ngư dân đã phá sản và mang nợ xấu. Các kiến nghị về bất cập trong chính sách này đã đến với nghị trường Quốc hội và cử tri mong ngóng sớm có hướng giải quyết.

Đây là cảnh vui mừng, hồ hởi của ngư dân trong ngày ký kết, vay ngân hàng để đóng những con tàu vỏ thép theo Nghị định 67. Chẳng ai nghĩ những con tàu lớn này, sẽ đẩy họ vào khoản nợ lớn không kém, chỉ sau ít năm.

Ông Trần Văn Mười (Mân Thái, Sơn Trà, Đà Nẵng) từng là chủ con tàu vỏ thép lớn nhất tại Đà Nẵng. Ông vay 17 tỷ đồng để đóng mới tàu, cầm cự hoạt động trong 4 năm nhưng không hiệu quả, buộc phải bàn giao lại cho ngân hàng. Hiện tàu đã bị thanh lý với giá 1,7 tỷ và ông thì gánh nợ tới 20 tỷ đồng và phải đi làm công trên các tàu đánh cá khác.

Tại Quảng Ngãi, từ 2022, các ngân hàng đã khởi kiện 34/41 khách hàng nợ xấu, bán 6 tàu là tài sản thế chấp. Nhiều chủ tàu vỏ thép cho biết, do vốn vay quá lớn, mỗi quý, phải trả nợ gốc và lãi trên 300 triệu đồng. Nếu trả đúng hạn, chủ tàu mới được hưởng lãi suất ưu đãi 1% nhưng chỉ cần một quý không trả được thì lập tức chuyển sang nợ xấu, phải chịu lãi suất thương mại 7%.

Tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, chính sách tàu vỏ thép 67 lại làm nóng nghị trường, đại biểu Quốc hội cho biết những vướng mắc trong chính sách đã tồn tại kéo dài, không biết bao nhiêu lần cử tri kiến nghị.

Vấn đề sửa đổi chính sách, tháo gỡ khó khăn cho các ngư dân đã được nhìn nhận từ lâu, nhưng đến nay Nghị định 67 vẫn nằm đó, giống như khoản nợ khổng lồ vẫn đè nặng lên những ngư dân từng đi đầu trong thực hiện chính sách, và chẳng biết bao giờ mới được rũ bỏ để họ yên tâm vươn khơi bám biển.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Truyền hình Quốc hội Việt Nam