Đại học vẫn loay hoay tự chủ tài chính

Chiều 5/11, Ủy ban Văn hóa của Quốc hội chủ trì phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức Hội thảo Giáo dục về chủ đề “Thể chế, chính sách nâng cáo chất lượng giáo dục đại học” nhằm góp phần đánh giá kết quả 10 năm thực hiện NQ29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo. Phó Chủ tịch Thường trực Trần Thanh Mẫn dự và chủ trì Hội thảo.

PCT Thường trực QH Trần Thanh Mẫn khẳng định, một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu được đề cập trong Nghị quyết 29 là hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, trong đó có giáo dục đại học.

Trên tinh thần thảo luận làm rõ những vướng mắc, rào cản liên quan tới thể chế, chính sách để đề xuất giải pháp phù hợp, Hội thảo đã nêu nhiều vấn đề tồn tại thời gian qua đặc biệt là về tự chủ đại học.

2 năm học gần đây mức học phí của các trường vẫn giữ nguyên với chủ trương chia sẻ khó khăn với xã hội hậu Covid. Thế nhưng điều này đang gây khó khăn cho nhiều đại học vì không thể đáp ứng được nhu cầu đào tạo. Một trong những nguyên nhân là ngân sách cho đào tạo đại học đang quá hạn chế, dẫn tới các trường phụ thuộc nhiều vào học phí.

Tuy nhiên, đại diện Bộ Tài chính cho rằng nguồn ngân sách có hạn, khó để tăng chi cho giáo dục đại học mà không ảnh hưởng đến các khoản đầu tư khác.

Câu chuyện tự chủ tài chính của các trường đại học vẫn luôn là vấn đề nan giải trong suốt chặng đường thực hiện tự chủ. Điều này khiến các trường đại học khó mà tập trung vào phát triển chất lượng.

Bên cạnh việc tăng đầu tư cho giáo dục đại học, cần phải tính đến việc tạo ra các nguồn thu mới cho giáo dục đại học. Một số đại biểu đề nghị cần có chính sách đặc thù cho giáo dục đại học, như các nghị quyết đặc thù cho địa phương. Thậm chí có thể tính đến việc 1 luật sửa nhiều luật, lấy tự chủ đại học làm trung tâm để sửa những điều luật vướng mắc hiện nay. 

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Phan Hằng -

Đỗ Minh -

Ngọc Tuấn