Đại lễ cầu an trực tuyến: Phật tại tâm thì offline cũng như online

"Lễ Phật quanh năm không bằng ngày rằm tháng Giêng”, tuy nhiên trong bối cảnh dịch Covid-19 phức tạp, việc tổ chức cúng rằm, cầu an bằng hình thức trực tuyến là biện pháp được nhiều địa phương áp dụng, vừa để đảm bảo an toàn cho người dân trong tình hình dịch bệnh vừa góp phần bài trừ mê tín dị đoan. Ghi nhận của phóng viên Truyền hình Quốc hội tại tổ đình Phúc Khánh, Hà Nội.

Đây đã là năm thứ 2 tổ đình Phúc Khánh tổ chức đại lễ cầu an bằng hình thức trực tuyến. Mặc dù 19h đại lễ mới bắt đầu nhưng từ sớm đã có khá nhiều người dân đến cúng lễ, chuẩn bị trước. Để có mặt trực tiếp tại tổ đình, người dân đã đăng ký trực tuyến trước đó nhiều ngày. Số lượng người đến tổ đình cũng được hạn chế để đảm bảo công tác phòng chống dịch. Đa số đều tán đồng với cách làm này. Phật tại tâm thì dù tổ chức với hình thức nào người dân cũng sẵn sàng đón nhận.

Bà Phạm Thị Phượng: Cầu an trực tuyến thì giúp cho những người già không đến được, bận công việc không đến được thì họ theo dõi và an tâm vì tất cả các nghi lễ đều được thực hiện đúng như những gì họ mong ước.

Chị Nguyễn Thị Thuần: Cũng có khác với trước, trước thì mọi người đến đông hơn tấp nập hơn, ngồi sẽ bị chén lấn nhau hơn.

Bà Nguyễn Thị Minh Hòa: Nó không khác gì với trực tiếp vì mọi người đều xem được hết. Đảm bảo giãn cách, đảm báo chống Covid-19 nữa nên nhân dân rất thoải mái.

 Đúng 19 giờ, Hòa thượng Thích Thanh Quyết chủ trì đại lễ cầu an tại Tổ đình Phúc Khánh. Mọi hoạt động được phát trực tiếp trên các nền tảng mạng xã hội phục vụ nhân dân. Đối với người Việt, ngày Rằm tháng Giêng là ngày Vía Phật. Đây là ngày Rằm đầu tiên trong năm mới. Tất cả những may mắn nhất của năm mới đều ở ngày này. Người Việt thường đi lễ chùa, làm mâm cơm cúng dâng lên tổ tiên bày tỏ lòng biết ơn, trân trọng với người đã khuất và mong một năm mới an lành, may mắn.

Bên ngoài tổ đình vẫn có khá nhiều người dân đến tận nơi để vái vọng. Vì nhiều lý do mọi người vẫn muốn có mặt trực tiếp dù biết đại lễ được tổ chức trực tuyến.

Bà Bùi Thị Nguyệt: Nhà có máy nhưng máy nó bị hỏng, ra đây biết chắc không vào được nhưng vẫn ra vái. Phật ở trong tâm rồi nhưng vẫn ra vì nhà không có máy”.

Chị Nguyễn Kim Hoàn: Năm nay bị dịch Covid nhưng có cái tâm vẫn đến trước cổng chùa, cũng vừa nghe vừa hướng về chùa.

Giáo hội phật giáo Việt Nam đã có văn bản chính thức không tổ chức dâng sao giải hạn chỉ thực hành nghi lễ cầu an đúng chính pháp. Tinh thần thích ứng linh hoạt của giáo hội đã giúp người dân quen với hình thức đại lễ trực tuyến, nhằm tránh sự lây lan của dịch bệnh.

Lê Huy