Đắk Lắk: Hàng chục cửa hàng xăng dầu đồng loạt đóng cửa

Trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, theo ghi nhận từ trước Tết Nguyên Đán đến nay liên tục xảy ra tình trạng hàng chục cửa hàng kinh doanh xăng dầu đóng cửa, ngừng bán với lý do hết hàng, nguồn cung khan hiếm, càng bán càng lỗ.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, lực lượng quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk đã tăng cường công tác kiểm tra tình hình kinh doanh xăng dầu và phát hiện nhiều cửa hàng xăng dầu đóng cửa,tạm nghỉ, dừng hoạt động. Theo các chủ cửa hàng kinh doanh xăng dầu, việc phải đóng cửa, ngừng kinh doanh là do hết hàng, nguồn cung khan hiếm.

Anh Nguyễn Văn Sang, Chủ cửa hàng xăng dầu Đức Khang, xã Ea H’Đing, huyện Cư M’gar, Đắk Lắk: Từ hôm mùng năm, mùng sáu tết đến giờ, bên doanh nghiệp tôi có đăng ký với công ty nhập xăng dầu để bán nhưng công ty báo nguồn cung xăng 95 dạo này đứt hàng nên doanh nghiệp tôi không thể nhập để bán sau tết được. 

Anh Phạm Văn Hải , Chủ doanh nghiệp xăng dầu Hoàng Thịnh Phát, xã Ea Kiết, huyện Cư M’gar, Đắk Lắk: Tôi có báo đầu mối nhưng đầu mối báo do nguồn hàng khan hiếm nên chỉ nhập cho tôi nhỏ giọt, không đáp ứng đủ yêu cầu nên cửa hàng chỉ bán được một đến hai bữa lại phải đóng cửa.

Là doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nhà nước, Công ty xăng dầu Nam Tây Nguyên (thuộc Tập đoàn xăng dầu Việt Nam) có chuỗi hơn 48 cửa hàng trải dài khắp các huyện của tỉnh Đắk Lắk cũng thừa nhận, có tình trạng khan hiếm nguồn hàng. Nguyên nhân là do giá xăng dầu thế giới tăng cao khiến việc nhập nguyên liệu gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, nhu cầu sử dụng của người dân trước, trong và sau Tết Nguyên Đán tăng cao. Cùng với đó nhu cầu sử dụng xăng dầu để phục vụ tưới tiêu cho cây cà phê và các loại cây trồng khác tăng đột biến dẫn đến kham hiếm nguồn hàng.

Ông Nguyễn Thái Bình, Phó Giám đốc Công ty xăng dầu Nam Tây Nguyên: Đặc biệt địa bàn Tây Nguyên, các hoạt động kinh tế xã hội đã trở lại trạng thái bình thường và nhu cầu tăng rất cao sau dịp Tết.Một số hệ thống, một số cửa hàng tư nhân thì hạn chế bán ra, thậm chí có những cửa hàng đóng cửa chính vì thế tạo áp lực cho hệ thống cửa hàng của Petrolimex. Qua đây cũng mong các cấp chính quyền, cơ quan ban ngành tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm của các hệ thống khác nếu có về việc tạm dừng kinh doanh hoặc hạn chế bán ra để tích trữ, dầu cơ trước đợt điều chỉnh giá tới đây.

Theo lãnh đạo Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk, qua kiểm tra, ghi nhận có 19 cửa hàng tại nhiều huyện đóng cửa, ngừng bán hàng. Việc đóng cửa, thực tế là do hết hàng, hoặc đóng cửa có lý do chứ không có việc găm hàng chờ giá. Thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, nếu phát hiện các cửa hàng xăng dầu có dấu hiệu trục lợi sẽ kiên quyết xử lý nghiêm.

Ông VƯƠNG MINH SƠN, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk: Đến thời điểm hiện nay, hàng ngày chúng tôi đều có yêu cầu các đội quản lý thị trường báo cáo nhanh thông tin hàng ngày và ghi nhận trên địa bàn toàn tỉnh có 19 cửa hàng đóng cửa mà nguyên nhân, lý do là hết hàng. Qua kiểm tra bồn các cửa hàng, thực tế bồn đã hết xăng dầu nên họ không bán chứ không có tình trạng găm hàng chờ giá. Nếu phát hiện các cửa hàng găm hàng chờ giá, chúng tôi sẽ kiến nghị cơ quan chức năng, chính quyền thu hồi giấy phép kinh doanh.

Trước thực trạng nguồn cung xăng dầu trong nước gặp khó khăn, đề nghị cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiệm các đơn vị kinh doanh xăng dầu cố tình ghim hàng để trục lợi, tránh làm ảnh hưởng đến việc sản xuất, lưu thông, phân phối hàng hóa và đời sống người dân.

Việt Bảo