Đảm bảo an toàn thông tin trên mạng trong các nhà trường

Sáng 02/03, Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đặng Xuân Phương làm trưởng đoàn đã có cuộc làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong quản lý, cung cấp và sử dụng thông tin trên trang thông tin điện tử, mạng xã hội và các dịch vụ nội dung thông tin, truyền thông khác trên mạng Internet.

Báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo  cho thấy, việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng cho học sinh, sinh viên, nhà giáo về Internet, an toàn thông tin, an ninh mạng được quan tâm. Trong chương trình giáo dục phổ thông 2018, Tin học trở thành môn học bắt buộc với nội dung sử dụng Internet an toàn, lành mạnh thông qua chủ đề dạy học Đạo đức, pháp luật và văn hoá trong môi trường số. Tuy nhiên vẫn còn khá nhiều bất cập trong việc cập nhật kỹ năng, kiến thức về an toàn thông tin mạng cho thầy và trò.

Ông NGUYỄN XUÂN THÀNH, Vụ trưởng Vụ THPT, Bộ Giáo dục và Đào tạo: "Từ khi học trực tuyến do đại dịch COVID-19 cũng bắt đầu nảy sinh hiện tượng không bảo đảm an toàn, để lộ thông tin. Bộ cũng kịp có hướng dẫn. Theo quy định về Chương trình gióa dục phổ thông mới có 10 năng lực. Trong đó có năng lực về tin học, theo từng cấp có ghi rõ yêu cầu về an toàn thông tin mạng, cụ thể từ lớp 3-12”

Ông TRẦN VĂN ĐẠT, Quyền Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Giáo dục và Đào tạo:Điều kiện đảm bảo cho việc thực hiện các quy định vẫn còn bất cập, như trang thiết bị để đáp ứng yêu cầu dạy học trực tuyến, trang thiết bị cho các cơ quan tổ chức…Mặc dù chưa có số liệu cụ thể nhưng Quốc hội cần có ý kiến với Chính phủ trong chỉ đạo các địa phương, bộ ngành ưu tiên đầu tư”.

Các ý kiến đề nghị cần sớm tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng cho học sinh, sinh viên nhà giáo về Internet, an toàn thông tin, an ninh mạng; sự phối hợp với các ngành chức năng về tuyên truyền, định hướng, giáo dục an toàn thông tin, an ninh mạng 1 cách bài bản. 

Bà NGUYỄN THỊ XUÂN, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh: “Vấn đề bồi dưỡng, tập huấn, xây dựng kỹ năng, quy trình nhận diện tin giả và xử lý tin giả cho đội ngũ giáo viên, cho học sinh, sinh viên. Việc xây dựng sổ tay hướng dẫn trên mạng là rất cần thiết, để sớm trang bị cho học sinh, sinh viên”.

Bên cạnh đó, việc lồng ghép các môn học kĩ năng sử dụng thông tin trên mạng cho học sinh, sinh viên vào các môn học khác cũng sẽ được Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai trong thời gian tới. Cùng với đó là các giải pháp thúc đẩy các trang thông tin điện tử, các mạng xã hội/group của các trường, cơ sở giáo dục; giải pháp nâng cao nhận thức của giáo viên, học sinh, sinh viên về ý thức và kĩ năng tiếp nhận thông tin trên không gian mạng.

Phan Hằng